Giảm phí cho doanh nghiệp: Không để “trên nóng, dưới nguội“

(ĐTCK) Tinh thần từ cuộc họp thường kỳ của Chính phủ tháng 8 cho thấy, Thủ tướng sẽ quyết liệt đưa chủ trương “năm giảm phí cho doanh nghiệp” vào thực tế.
Cần sớm khắc phục tình trạng có tới 70 loại phí liên quan đến giao thông, chi phí vận tải, chi phí BOT như hiện nay Cần sớm khắc phục tình trạng có tới 70 loại phí liên quan đến giao thông, chi phí vận tải, chi phí BOT như hiện nay

Trong ngày đầu tiên của tháng 9, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 227/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy.

Theo đó, dự thảo Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí kiểm định đối với tất cả các chất chữa cháy, vật liệu, chất chống cháy, trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân, phương tiện cứu người từ 20-50% tùy từng loại phương tiện.

Tương tự, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Tài chính xem xét  giảm mức phí trong thủ tục thẩm định cấp chứng thư cho lô hàng thủy sản xuất khẩu.

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Với riêng phí BOT, vấn đề đang nóng trong dư luận hiện nay, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tổng mức đầu tư các dự án BOT, mức phí và thời gian thu phí, kiến nghị các giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9.

“Sớm khắc phục tình trạng có tới 70 loại phí liên quan đến giao thông, chi phí vận tải, phí BOT”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Những động thái trên là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và theo giới chuyên gia, cần phải được triển khai quyết liệt, nhân rộng hơn nữa. 

Khảo sát gần đây của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho thấy, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, rất cần giảm các loại phí để cải thiện năng lực cạnh tranh.

Đơn cử, chi phí cho hãng tàu trung bình từ 5-6 triệu đồng cho mỗi container 20 feet, chiếm khoảng 50% tổng chi phí; cước phí vận chuyển nội địa, bao gồm cước phí vận chuyển từ các cảng tại TP.HCM về Bình Dương, Đồng Nai… và từ cảng Hải Phòng về Hà Nội, Hải Dương… phổ biến từ 3-4 triệu đồng (cá biệt, có trường hợp lên tới 10 triệu đồng); cước phí vận chuyển từ cảng về trung tâm thành phố dao động từ 2-3 triệu đồng, chiếm khoảng 33% tổng chi phí. Chỉ riêng 2 loại phí này đã chiếm 83% tổng chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho một lô hàng nhập khẩu ở mức thông thường, tương đương 10-12 triệu đồng.

“Bên cạnh đó, còn có nhiều loại chi phí không chính thức khác được các hãng tàu, hoặc các đơn vị quản lý cảng biển địa phương tự đặt ra, hoặc nâng lên nhằm tận thu doanh nghiệp, trong đó có những chi phí vô lý như phí vệ sinh…", Báo cáo thống kê.

Có lẽ bởi vậy mà câu chuyện tăng thu phí hạ tầng cảng biển tại Hải Phòng gần đây vẫn “nóng”. Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ước tính các chi phí phát sinh tại cảng biển ở Hải Phòng, một doanh nghiệp sẽ mất thêm khoảng 300-400 triệu đồng.

Đứng trên góc độ năng lực cạnh tranh của lĩnh vực logistic, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, hiện nay, dịch vụ logictics và vận tải ở Việt Nam bị đánh giá là quá cao, thời gian thực hiện thủ tục kéo dài.

Khi công nghệ thông tin đã gõ cửa đến từng ngành, từng lĩnh vực, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cho rằng, lĩnh vực logistic rất cần được làm mới, ứng dụng thêm nhiều chương trình, phần mềm quản lý để đơn giản hóa thủ tục và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Năm giảm phí cho doanh nghiệp” là chủ trương thiết thực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi tới đây sẽ có hàng loạt chính sách mới được thực thi để chủ trương trên được triển khai trong thực tế.

Làm được điều này, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ được cải thiện mạnh mẽ, bên cạnh việc tự thân doanh nghiệp phải đổi mới, để thích ứng với thị trường đang có nhiều yếu tố cạnh tranh từ việc mở cửa, hội nhập của nền kinh tế.

Hiếu Minh – Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục