Giảm lãi suất tác động tới lợi nhuận ngân hàng, nhưng không nhiều

(ĐTCK) Thực hiện chủ trương của Chính phủ, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất ở cả hai chiều huy động và cho vay. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến lợi nhuận, song mức giảm là không nhiều. 
Việc giảm lãi suất sẽ giúp kích thích nhu cầu vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm...

Ở khối ngân hàng có vốn nhà nước, các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Agribank đã đồng loạt giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm.

Riêng các lĩnh vực ưu tiên, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 5%/năm, thấp hơn 1,5%/năm so với quy định.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank - ông Nghiêm Xuân Thành cho hay, đây là đợt giảm lãi suất lớn nhất từ trước đến nay của Ngân hàng, bởi được áp dụng cho tất cả doanh nghiệp, thay vì chỉ trong lĩnh vực ưu tiên như trước đây.

Theo ước tính của ông Thành, quy mô đợt giảm lãi suất này tác động tới 320.000 tỷ đồng dư nợ cho vay, nên lợi nhuận ước tính của Vietcombank có thể giảm 260 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm 2019.

Dù vậy, Chủ tịch Vietcombank cho hay, Ngân hàng sẽ cố gắng đảm bảo lợi nhuận thông qua tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm trích lập dự phòng…

Ngoài các ngân hàng có vốn nhà nước, nhiều ngân hàng tư nhân như Eximbank, Viet Capital Bank, ACB, MBBank, VPBank, LienVietPostBank... cũng đã hạ lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,5-1%/năm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là xuất khẩu.

Việc giảm lãi suất được nhìn nhận sẽ giúp kích thích nhu cầu vay của người dân, doanh nghiệp trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Đáng chú ý, khác với các lần trước, đợt giảm lãi suất lần này của ngân hàng được thực hiện ở cả đầu ra và đầu vào. Trong đó, hầu hết nhà băng đã giãm lãi suất huy động vốn.

Đơn cử, tại Eximbank, ngân hàng này công bố biểu lãi suất mới hiệu lực từ 7/11/2019, trong đó điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng tại quầy giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 8,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 7,7%/năm.

ACB đã giảm thêm 0,2%/năm lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm đối với kỳ hạn dài. MB giảm lãi suất huy động từ 0,1-0,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn.

Với Kienlongbank, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5%/năm. Theo biểu lãi suất niêm yết mới nhất tại Viet Capital Bank, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng giảm về 4,85%/năm, kỳ hạn từ 3-5 tháng là 4,9%/năm. NamA Bank công bố biểu lãi suất không kỳ hạn là 0,5%/năm, giảm 0,3%/năm so với mức trần trước đó...

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng tư nhân cho hay, tuy giảm lãi suất có thể tác động tới lợi nhuận, nhưng mức giảm sẽ không quá mạnh vì chi phí đầu vào cũng được tiết giảm. Mặt khác, việc nhu cầu vốn kinh doanh thường tăng cao vào cuối năm là cơ hội để các ngân hàng kích cầu tín dụng, giúp gia tăng lợi nhuận...

9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận của nhiều nhà băng đã tăng trưởng cao. Đơn cử, Vietcombank đạt 17.613 tỷ đồng lợi nhuận sau 9 tháng và dự báo sẽ vượt chỉ tiêu 20.000 tỷ đồng trước thuế đưa ra cho cả năm nay.

Như vậy, con số lợi nhuận giảm ước tính 260 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm như đã nêu trên dù không phải là nhỏ, nhưng cũng chỉ tương đương khoảng 1,3% tổng lợi nhuận cả năm của Vietcombank.

Thực tế, đến giữa tháng 11/2019, nhiều ngân hàng đã cạn room tăng trưởng tín dụng. Thậm chí, nhiều nhà băng đã vượt mức room bình quân như TPBank (20,4%), VIB (28,2%), OCB (20%). Do chỉ tiêu cho vay đã hết hoặc không còn nhiều, nên việc cắt giảm lãi suất không còn nhiều ý nghĩa.

Ngân hàng cạn room nên đối tượng doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi là rất hạn chế. Vì vậy, để có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay, các ngân hàng đã tính toán kỹ dựa trên 2 yếu tố, đó là giảm được lãi suất huy động vốn và đảm bảo được nguyên lý hình thành lợi nhuận.

Nhìn vào biểu lãi suất hiện nay, việc giảm lãi suất chủ yếu dành cho các lĩnh vực ưu tiên, mà để có hồ sơ khách hàng vay vốn thuộc diện ưu tiên lãi suất là không dễ dàng. Đó là chưa kể, hiện ngân hàng còn ít chỉ tiêu cho vay, nên càng đòi hỏi hồ sơ chặt chẽ và khắt khe hơn.

Đối với tín dụng cá nhân, mặt bằng lãi suất không những khó giảm, thậm chí còn có thể tăng. Biên lãi ròng (NIM) trong cho vay đối với phân khúc khách hàng này được các ngân hàng cho biết nằm trong khoảng 3-3,5%.

Theo báo cáo triển vọng ngành quý IV/2019 của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), tỷ lệ NIM năm nay của ngành ngân hàng sẽ tăng nhẹ nhờ việc dịch chuyển cơ cấu cho vay.

Sau nửa đầu năm, NIM toàn ngành được cải thiện, trung bình mức NIM của ngân hàng niêm yết đạt 3,51%, cao hơn so với mức 3,2% của cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng tín dụng chậm lại và lãi suất huy động tăng ở các kỳ hạn dài, trong khi lãi suất cho vay ổn định và các khoản vay được tái cơ cấu với lãi suất cao hơn.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục