Cuộc đua giảm lãi suất lan sang ngân hàng nhỏ

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên, các ngân hàng đã vào cuộc đua giảm lãi suất. Không chỉ với nhà băng lớn, mà cuộc đua giảm lãi suất đang lan sang ngân hàng nhỏ.
Với chủ trương của NHNN, các ngân hàng đã vào cuộc giảm lãi suất và xu hướng này sẽ kéo dài sang năm 2020. Với chủ trương của NHNN, các ngân hàng đã vào cuộc giảm lãi suất và xu hướng này sẽ kéo dài sang năm 2020.

Giảm lãi suất đầu vào

Ngày 19/11, NHNN chính thức giảm trần lãi suất huy động 0,5%, xuống còn 5%/năm áp dụng cho kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo quyết định của NHNN, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng sẽ giảm từ 1%/năm xuống 0,8%/năm; với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Từ chủ trương trên của NHNN, các nhà băng đã vào cuộc đua giảm lãi suất đầu vào. Theo đó, ACB giảm thêm 0,2%/năm lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm đối với kỳ hạn dài. MB giảm lãi suất huy động 0,1 - 0,5%/năm. NamA Bank cũng công bố biểu lãi suất không kỳ hạn còn 0,5%/năm.

Tại Ngân hàng Bản Việt, lãi suất kỳ hạn 1, 2 tháng còn 4,85%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng, lãi suất ở mức 4,9%/năm.

Với Kienlongbank, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng là 5%/năm.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc giảm lãi suất huy động trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm là điều không dễ. Thế nhưng, muốn kích cầu tăng trưởng tín dụng, nhà băng buộc phải cắt giảm chi phí để điều chỉnh lãi suất đầu ra.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, không dễ để lãi suất giảm sâu trong bối cảnh hiện nay, song với chủ trương của NHNN, các ngân hàng đã vào cuộc giảm lãi suất và xu hướng này sẽ kéo dài sang năm 2020.

Cắt lãi vay

Song song với việc giảm lãi suất đầu vào, trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được NHNN giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7%/năm.

Hưởng ứng chủ trương trên của NHNN, các ngân hàng cũng đã vào cuộc đua giảm lãi suất cho vay.

Vietcombank, BIDV đã giảm lãi suất cho vay thêm 0,2 - 0,5%/năm, duy trì chính sách cho vay đối tượng ưu tiên tối đa 5,5%/năm.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nam A Bank áp dụng lãi vay từ 6,5%/năm với các khoản vay dài hạn (36 - 120 tháng), từ 7,5%/năm với các khoản vay trung hạn (từ 24 tháng đến dưới 36 tháng). Lĩnh vực tín dụng xanh cũng được Nam A Bank ưu đãi lãi vay 7,5%/năm.

Trong khi đó, MSB giảm 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh; giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi… nông nghiệp.

Vietbank dành 500 tỷ đồng cho doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ …, với lãi vay 7%/năm.

Về phần mình, Kienlongbank triển khai gói tín dụng 600 tỷ đồng, với lãi vay 0,7%/tháng. Tùy theo mục đích vay vốn, khách hàng cá nhân có thể vay từ 50 triệu đồng đến 10 tỷ đồng, thời hạn lên đến 84 tháng. Với doanh nghiệp, khoản vay được áp dụng tối thiểu từ 200 triệu đồng, thời hạn 12 tháng.

ABBank dành hạn mức 2.500 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay với lãi vay cố định 3 tháng đầu từ 7,8%/năm hoặc 6 tháng đầu từ 8,3%/năm.

PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, khả năng mặt bằng lãi suất sẽ theo chiều hướng giảm từ nay đến đầu năm 2020, do các yếu tố bên ngoài đang tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm 3 lần lãi suất trong năm nay và có thể giảm thêm, lạm phát năm nay được kiểm soát ở mức không cao hơn năm trước...

Ngày 20/11, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) phân tích, những đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp trên quy mô lớn vừa qua chính là yếu tố giúp kéo dài dư địa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong năm 2019, Fed đã giảm lãi suất 3 lần liên tiếp và truyền đi thông điệp sẵn sàng để nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nóng hơn trong một khoảng thời gian dài hơn. Nếu Fed giảm thêm lãi suất cuối năm nay thì tạo thêm điều kiện để mặt bằng lãi suất tiền đồng giảm thêm.

Chia sẻ quan điểm này, SSI Research đánh giá, nếu duy trì được đà tăng trưởng huy động tốt như quý vừa qua và thời gian tới đây, thì mặt bằng lãi suất huy động có khả năng giảm tiếp vào đầu năm 2020.

Thùy Vinh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục