Giảm lãi suất cho vay, cả hai cùng vượt khó

(ĐTCK) Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành hai lần kể từ khi dịch Covid-19 diễn ra đến nay sẽ là điều kiện để các ngân hàng thương mại cắt giảm thêm chi phí đầu vào cũng như giảm lãi suất đầu ra. Cùng với việc cơ cấu, giãn nợ, giảm lãi suất cho khách hàng không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch mà còn “cứu” chính các ngân hàng.
Doanh nghiệp và người dân đang trông chờ nguồn vốn rẻ để phát triển sản xuất - kinh doanh Doanh nghiệp và người dân đang trông chờ nguồn vốn rẻ để phát triển sản xuất - kinh doanh

Cùng chia sẻ khó khăn

Việc cắt giảm lãi suất không chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp, mà đó chính là hai bên ngân hàng - doanh nghiệp hợp tác để cùng nhau vượt qua khó khăn. Nếu không kịp thời hỗ trợ khách hàng của mình vượt qua giai đoạn này, ngân hàng cũng khó tránh nợ xấu khi các khoản vay nợ của doanh nghiệp không thể trả đúng hạn.

Đại dịch Covid-19 đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn trên phạm vi toàn cầu, khiến nhiều nền kinh tế chìm trong khó khăn, doanh nghiệp đối diện với nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ phá sản là điều có thể nhìn thấy.

Giảm lãi suất cho vay, cả hai cùng vượt khó ảnh 1

TS. Đinh Thế Hiển

Và thực tế, để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Đặc biệt, khi đại dịch lan rộng, nhiều quốc gia cũng đã tung ra hàng loạt gói cứu trợ doanh nghiệp, cùng với đó là cắt giảm mạnh lãi suất để tháo gỡ khó khăn.

Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh đã cắt giảm lãi suất rất mạnh mẽ. Gần đây nhất, ngân hàng trung ương nước này đã đưa lãi suất đồng bạc xanh xuống chỉ còn từ 0 - 0,25%/năm.

Không lâu sau đó, ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố cắt giảm một loạt lãi suất điều hành lần thứ nhất trong năm 2020 và lần cắt giảm tiếp theo vào ngày 13/5. Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất điều hành của Việt Nam không chịu tác động từ việc Fed giảm lãi suất.

Lãi suất điều hành được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hai lần kể từ đầu năm đến nay đã kịp thời tạo điều kiện cho các ngân hàng có thêm dư địa giảm lãi vay. Trước bối cảnh trong và sau dịch bệnh, không chỉ doanh nghiệp mà chính các nhà băng cũng phải tìm cách “gỡ khó” cho mình nên phải tái cơ cấu, giãn nợ, giãm lãi suất cho khách hàng. Một khi lãi suất giảm, cả doanh nghiệp và người dân đều được hưởng lợi. Nhưng lãi suất giảm cần được lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Việc giảm lãi suất chỉ tạo ra giá trị, có thể tác động mạnh lên nền kinh tế khi nó được áp dụng cho mọi đối tượng, chứ không phải chỉ một vài doanh nghiệp. Nếu chỉ một vài doanh nghiệp lớn nhận được sự hỗ trợ này thì tác động của chính sách không lớn, không hiệu quả như mong muốn.

Nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng, chính sách lãi suất của Việt Nam chỉ có tác dụng một phần, chứ không có tác dụng mạnh như Fed. Điều mà mọi người, cả với doanh nghiệp đang trông chờ có thể là cung tiền của Chính phủ trong các hạng mục đầu tư công có tính thiết yếu, tức là nguồn tiền tạo ra động lực để kích cầu trong nước.

Cần thiết hành động

Quả thực, nếu so sánh với các nước trong khu vực, hiện lãi suất của Việt Nam vẫn cao hơn khá nhiều. Nhưng việc giảm lãi suất phải theo cơ chế thị trường, vì thực tế, các ngân hàng cạnh tranh nhau rất gay gắt trong huy động tiền gửi và cả thị phần cho vay. Muốn giảm lãi suất, đòi hỏi các nhà băng phải giảm được chi phí đầu vào. Tuy nhiên, trước diễn biến hiện nay khi kinh tế đang gặp khó do trải qua đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp chưa phục hồi và trở lại như trước, nếu ngân hàng không cơ cấu, giãn nợ và giảm lãi suất, doanh nghiệp sẽ khó hơn. 

Trong những tháng đầu năm nay, tín dụng chỉ tăng bình quân mỗi tháng hơn 1%, thậm chí có nhiều thời điểm giảm, dù ngân hàng ra sức kích cầu lãi suất ưu đãi.   

Giảm lãi suất chắc chắn sẽ tác động lên lợi nhuận của ngân hàng khi phải chia sẻ cùng khách hàng, nhưng điều này phụ thuộc vào tiềm lực của mỗi ngân hàng.

Nói giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp cũng đúng, nhưng có thể hiểu theo cách khác là hai bên hợp tác, cùng nhau vượt qua khó khăn chung. Còn nếu ngân hàng không giảm lãi suất thì chính ngân hàng cũng chịu thiệt, chứ không riêng gì khách hàng. Một khi doanh nghiệp không trả nợ đúng hạn, thậm chí mất khả năng trả nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động đình trệ..., giảm lãi suất là để doanh nghiệp có nguồn vốn rẻ để duy trì hoạt động, từ đó ngân hàng có thể thu hồi nợ. Ngược lại, nếu ngân hàng cứ khăng khăng siết nợ thì nợ xấu sẽ gây áp lực lên chính ngân hàng. Khi tài sản thế chấp bị siết, bên cạnh nợ xấu tăng, ngân hàng còn phải mất thời gian xử lý nợ tài sản.

Lợi nhuận quý I của không ít ngân hàng đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch và khả năng sẽ còn chịu tác động trong các tháng tới đây. Bởi Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19 nhưng nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với dịch bệnh, phải tạm thời đóng cửa biên giới và có độ trễ để doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Hoạt động của ngành ngân hàng chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng, song khi cầu vốn của khách hàng, nhất là doanh nghiệp chưa trở lại như trước thì tín dụng khó tăng.

Trong những tháng đầu năm nay, tín dụng chỉ tăng bình quân mỗi tháng hơn 1%, thậm chí có nhiều thời điểm giảm, dù ngân hàng ra sức kích cầu lãi suất ưu đãi. Lợi nhuận ngân hàng sẽ áp lực khi tín dụng khó tăng và giảm dần lãi suất. Thế nhưng, khi hoạt động sản xuất chưa trở lại, doanh nghiệp sẽ không vay. Thậm chí, các doanh nghiệp có năng lực tài chính còn tính đến việc sớm trả nợ để giảm áp lực nợ vay khi chưa có các dự án sản xuất - kinh doanh mới để triển khai.

Không chỉ với doanh nghiệp mà ngay cả khách hàng cá nhân vay tiêu dùng cũng cần được giãn nợ vì khó khăn. Trong những cuộc khủng hoảng kinh tế, việc kích cầu tiêu dùng rất quan trọng. Chính phủ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam còn hỗ trợ người dân bằng tiền mặt. Khi người tiêu dùng nhận được sự hỗ trợ, họ mua sắm, thúc đẩy sức mua thì doanh nghiệp mới bán được hàng, tạo công ăn việc làm.

Với Việt Nam hiện nay, tâm lý phòng thủ trước dịch bệnh đã tác động đến người tiêu dùng khiến họ hạn chế chi tiêu. Đặc biệt, những cá nhân đang vay càng phải tính toán trong chi tiêu để có thể trả được nợ. Chính vì vậy, các ngân hàng chủ động hơn trong việc thực hiện giảm, giãn nợ cho khách hàng trong thời gian 3 - 6 tháng để họ có thể an tâm, không quá áp lực trong việc trả nợ là việc làm hợp lý.

Thực tế, trong thời kỳ này, các ngân hàng đang phải ra sức tái cơ cấu, giãn nợ và giảm lãi cho khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nguồn thu sẽ bị tác động. Vì vậy, một số nhà băng cũng đã điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2020. Đây là tính toán hợp lý, bởi dù đưa ra những chính sách cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho khách hàng nhưng ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn cho vay nhằm tăng cung vốn ra thị trường để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận đề ra từ đầu năm.

TS. Đinh Thế Hiển
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục