Chính sách tài khoá (bên cạnh chính sách tiền tệ) là một trong hai công cụ chủ lực nhằm kích cầu chống suy giảm kinh tế đã tập trung vào miễn, giảm thuế và giãn thuế, ông đánh giá thế nào về tác động của những chính sách này trong quý I/2009?
Trong bối cảnh khủng hoảng, tất cả các quốc gia đều phải sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ để chống suy giảm kinh tế. Với Việt Nam, tất cả công cụ tài khóa đều được sử dụng bao gồm việc giảm thuế và tăng chi ngân sách nhà nước.
Trên thực tế, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã liên tục giảm thuế, chẳng hạn thuế thu nhập doanh nghiệp đã liên tục giảm từ 32% xuống 28% và từ đầu 2009 là 25%. Trong giai đoạn suy giảm kinh tế, nhiều loại thuế tiếp tục được cắt giảm và giãn thời hạn nộp thuế như: giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2009 đối với nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ; giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của quý IV năm 2008 và số thuế TNDN phải nộp của năm 2009 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; giãn thời hạn nộp thuế TNDN trong thời gian 9 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2009; giãn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân đến ngày 31/5/2009.
Chúng tôi cho rằng, việc cắt giảm thuế và giãn thời hạn nộp theo các chính sách trên thuế sẽ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế trong thời điểm này.
Giảm thuế sẽ tác động làm giảm nguồn thu ngân sách, vậy Việt Nam có thể bù đắp sự giảm sút đó ra sao?
Do tác động suy giảm kinh tế, thu ngân sách trong quý I/2009 đã giảm 20% so với cùng kỳ, nếu duy trì các chính sách cắt giảm thuế như hiện nay, chúng tôi ước tính giảm thu ngân sách năm 2009 vào khoảng 3% GDP. Để bù đắp thâm hụt nguồn thu ngân sách, chỉ có cách tăng vay nợ của Chính phủ cả trong nước và ngoài nước, trong đó vay trong nước là chủ yếu. Vì vậy, trong thời gian tới cần tăng cường phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi ngân sách.
Với mức giảm thu như vậy, dự kiến năm 2009 Việt Nam có thể bội chi ngân sách tới 8% - đây là mức cao song tính trong dài hạn thì mức bội chi vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo thông lệ quốc tế (3% GDP).
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án về thuế thu nhập cá nhân, bao gồm hoãn đến hết năm 2009 hoặc chỉ hoãn đến ngày 31/5/2009, theo ông, nên thực hiện phương án nào cho phù hợp?
Luật Thuế thu nhập cá nhân đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2009, thời gian được giãn tới ngày 31/5/2009. Tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế tiếp tục suy giảm hay duy trì được tăng trưởng khá mà mực hiện chính sách tài khóa linh hoạt. Riêng về thuế thu nhập cá nhân, mặc dù kinh tế suy giảm song vẫn có nhiều đối tượng nộp thuế có thu nhập cao. Vì vậy, cần thiết phải phân biệt các loại đối tượng có các mức thu nhập khác nhau để có biện pháp tiếp tục thu thuế, hay giãn thời hạn nộp thuế để hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn.
Tham khảo kinh nghiệm các nước trong khu vực, theo ông, Việt Nam nên xem xét mở rộng chính sách kích cầu như thế nào?
Kinh nghiệm của một số nước là áp dụng chính sách hạ thấp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Ở nước ta, mức thuế TNDN hiện nay là 25%. Đây là mức thuế suất không cao. Tuy nhiên, nếu kinh tế tiếp tục suy giảm, có thể nghiên cứu hạ thấp hơn nữa mức thuế suất này.
Bên cạnh đó, cần xem xét tăng chi đầu tư phát triển để xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng đầu tư thực hiện chương trình công nghệ quốc gia và đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng bền vững mà chúng ta cần tính đến.