Quyết tâm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp đã được cụ thể hóa bằng hành động ngay tại phiên họp, khi các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận chuyên đề giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Ðinh Tiến Dũng báo cáo.
Vấn đề giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp đang trở nên “nóng”, không chỉ bởi các thành viên Chính phủ nhận diện rõ các chi phí mà doanh nghiệp đang phải chi ra cao, mà còn nếu không khắc phục hiệu quả tình trạng này thì sẽ tác động tiêu cực đến khả năng đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng GDP, cũng như nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Dẫn ra một lĩnh vực khiến doanh nghiệp còn phải gánh chi phí rất lớn, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cho biết, đó là kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hiện tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35%, nhưng tỷ lệ sai phạm chỉ là 0,06%. Mục tiêu đặt ra là phải giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống 15%.
Các bộ trưởng liệu có quyết tâm triển khai việc này không, nhất là các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải. Có bộ đã ban hành danh mục kiểm tra chuyên ngành, nhưng không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện kiểm tra, có nghĩa là bộ muốn kiểm tra gì cũng được.
Nếu giải quyết được vấn đề này, các chuyên gia ước tính có thể giảm được hàng chục nghìn tỷ đồng chi phí cho doanh nghiệp…
Thể hiện sự quan tâm sát sao đến hoạt động của các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn ra nhiều dữ liệu chứng minh cho thực trạng doanh nghiệp đang phải hoạt động trong một môi trường mà nhiều loại chi phí còn cao như: chi phí vốn, chi phí bảo hiểm xã hội, quỹ công đoàn...
Cụ thể, mức đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam đang cao nhất ASEAN, khi lên tới 32,5% mức lương tháng (chưa kể 3% phí công đoàn). Trong khi tại Malaysia, mức đóng bảo hiểm xã hội chiếm 13% lương tháng, còn ở Philippines là 10%, Indonesia 8%...
Chi phí vận tải, logistic còn cao thể hiện qua chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp ba lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam.
“Giấy phép kinh doanh rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Ðây cũng là khâu phát sinh các vấn đề phức tạp. Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu, thì phải xem lại cung cách làm việc của bộ. Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt, không hợp lý”, Thủ tướng quyết liệt chỉ đạo.
Ðể tạo chuyển biến trong cắt giảm giấy phép con, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ đã quy trách nhiệm đến các địa chỉ cụ thể như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước..., đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đầu quý IV/2017 phải báo cáo sơ kết tình hình giảm chi phí cho doanh nghiệp gửi về Bộ Tài chính tổng hợp, để báo cáo Chính phủ.
Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng, quyết tâm giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp của Chính phủ sớm “ngấm” tới thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, để trước mắt hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, cải thiện hiệu quả kinh doanh, về lâu dài, điều quan trọng là sớm hình thành môi trường kinh doanh thông thoáng, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp, ngày càng có đóng góp lớn và bền vững hơn cho tăng trưởng kinh tế.