Ðặc biệt, ngày 3/6/2017, Nghị quyết 10-NQ/TW Trung ương 5, khóa XII của Ðảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính thức được ban hành.
Tiếp đó, ngày 29/6/2017, tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Ðảng và Nhà nước xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững.
Trên thực tế, khu vực kinh tế tư nhân có tốc độ phát triển nhanh hơn các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế, tính bình quân trong thời kỳ 2003 - 2014, tốc độ tăng trưởng đạt 10,2%. Nếu như năm 2002, khu vực này mới chiếm 27% GDP, thì đến cuối năm 2015 đã vươn lên xấp xỉ 49%.
Trong giai đoạn Việt Nam chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đây chính là khu vực có tăng trưởng sản xuất công nghiệp cao nhất, là nhân tố quan trọng giúp nền kinh tế phục hồi trở lại.
Khu vực kinh tế tư nhân chính là đòn bẩy kéo những đồng vốn ẩn sâu dưới gối dân cư đưa vào dòng chảy kinh tế. Năm 2015, tổng nguồn vốn đăng ký hoạt động của khu vực tư nhân đạt 11,469 triệu tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2002, tạo ra gần 7,5 triệu việc làm.
Trong các lĩnh vực đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô, tiềm lực ngày càng lớn mạng có sức cạnh tranh như Vingroup, FPT, Hòa Phát…
Tuy nhiên, cũng phải nhìn thẳng vào thực tế là các doanh nghiệp tư nhân phát triển còn manh mún, thiếu tính ổn định, không bền vững. Ðáng lo ngại hơn là quy mô doanh nghiệp có xu hướng nhỏ dần, trình độ công nghệ chậm đổi mới, nên năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp. Việc thực hiện chính sách, pháp luật ở nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm…
Mỗi doanh nghiệp được thành lập cũng như một hạt giống mới được gieo trồng. Họ cần một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Họ cần những không gian rộng rãi, môi trường kinh doanh thông thoáng để có thể tự tin đầu tư, sản xuất với một chiến lược phát triển bài bản và bền vững.
Dù vị thế đã được coi trọng hơn trước đây rất nhiều, nhưng đâu đó trên hành trình của doanh nghiệp, không ít doanh nhân vẫn tâm sự về sự đơn độc, về những trải nghiệm hụt hơi do sự bất bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa tư nhân với các khu vực kinh tế khác.
Họ rất mong chờ có thêm các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động…
Bên cạnh đó là những cơ chế để đưa các chính sách động viên doanh nghiệp đi vào thực tế, thuận lợi cho doanh nghiệp trong khiển khai.
Ðảng và Chính phủ gần đây đã phát động nhiều chương trình khuyến khích, động viên tinh thần kinh doanh, ý chí khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, nhất là trong cộng đồng doanh nghiệp.
Với rất nhiều động thái và sự quyết tâm như vậy, kỳ vọng rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm nhiều hạt giống tốt được ươm mầm.