Tại họp tổ Quốc hội sáng 24/10, thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách, đầu tư công, gói hỗ trợ tiền tệ, tài khoá thuộc Chương trình phục hồi kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP. Hồ Chí Minh), Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã có phát biểu đề xuất tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực y tế và triển khai Nghị quyết 43.
Theo đại biểu, Nghị quyết 43 cấp thiết và ý nghĩa thì ai cũng thừa nhận, nhưng việc triển khai thế nào cho hiệu quả thì cần bàn thêm.
Là lãnh đạo một cơ sở y tế công, ông Thức cho biết, sau đại dịch Covid-19 ngành y tế có hai nguồn thu là nguồn tăng thu của địa phương và nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết 43.
Theo Nghị quyết 43, Quốc hội duyệt chi 14.000 tỷ đồng cho y tế để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng, nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, sản xuất vắc xin...
Tuy nhiên, cho đến nay ngành này chưa được giải ngân đồng nào từ nguồn Nghị quyết 43.
"Cứu chữa người thì phải có quy trình riêng. Giờ người ta qua cơn bạo bệnh, đi làm rồi, lúc đó có thúc ép giải ngân thì người ta cũng không thể bị bệnh lại được. Mà không giải ngân được thì kỷ luật người đứng đầu", ông Thức nêu vấn đề.
Từ đó, vị đại biểu cho rằng trong những hoàn cảnh cấp bách, Chính phủ phải cho cơ chế đặc thù chứ nếu thực hiện tuần tự như bình thường thì không hiệu quả.
Nói thêm về ách tắc trong đấu thầu trang thiết bị y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy phản ánh, hiện nay các bệnh viện đang gấp rút đấu thầu để "chạy" Thông tư 14/2023/TT-BYT ngày 30/6/2023, vì Thông tư này có 'tuổi thọ' rất ngắn, đến 31/12/2023 sẽ hết hạn.
Họp tổ Quốc hội sáng 24/10 tại tổ TP. Hồ Chí Minh |
Theo đó, Thông tư 14 "Quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hoá và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập" hướng dẫn về giá các gói thầu, có hiệu lực từ 30/6/2023 nhưng chỉ áp dụng đến hết 31/12/2023. Tiếp đó, đến tháng 1/2024 Luật Đấu thầu mới có hiệu lực, các hướng dẫn tiếp theo chưa định hình được làm cho các cơ sở y tế gặp khó khăn.
"Từ giờ đến năm 2024, nguy cơ thiếu thuốc và vật tư y tế là rất cao", Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói và đề nghị các đại biểu Quốc hội cùng có ý kiến. Nếu không chuẩn bị kịp, không kịp thời có những chính sách thì chắc chắn tới Tết Nguyên đán sẽ quay lại con đường thiếu thuốc, thiếu vật tư.
Nêu dẫn chứng, ông Thức nói thêm, hiện nay các bệnh viện ở miền Tây Nam Bộ đang thiếu máu diện rộng, báo chí phản ánh nhiều, không phải do thiếu người dân hiến máu mà do ách tắc đầu thầu nên thiếu vật tư sinh phẩm (túi đựng máu).
"Khi miền tây thiếu máu thì phải xin hỗ trợ từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện huyết học truyền máu trung ương, trong khi chỉ có bấy nhiêu nguồn, "đắp" xuống miền Tây Nam Bộ thì miền Đông Nam Bộ lại thiếu, hình thành nên cái vòng luẩn quẩn", ông Thức nói thêm.
Đề xuất giải pháp, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng, phải có hành lang cơ chế để cho các bệnh viện công thực hiện xã hội hóa và liên doanh liên kết.
Theo đại biểu, do trước đây làm liên doanh liên kết rồi sau đó xảy ra tiêu cực, nên khi nhắc đến vấn đề này ai cũng thấy nhạy cảm, không dám nhắc. Tuy nhiên, với nguồn lực còn hạn chế; liên doanh liên kết, xã hội hóa là một chủ trương đúng; do đó, ông Thức cho rằng, sau những tiêu cực đã rút ra được nhiều kinh nghiệm và chúng ta sẽ làm tốt hơn, làm chặt chẽ hơn.
“Rất mong Chính phủ có những quy định chặt chẽ, ai cũng biết đấu thầu rất khó, tiền có khi có mà cũng không tiêu được. Do đó, liên doanh liên kết là điều nên làm", ông Thức nói.
Đồng thời, ông nhấn mạnh, con đường mà TP.HCM đang đi là phát triển y tế chuyên sâu và mong muốn xây dựng TP.HCM thành một trung tâm du lịch y tế. Đây là hướng đi rất tốt. Nhưng để phát triển y tế chuyên sâu, ngoài việc đào tạo con người, phải có chiến lược lâu dài, trong đó trang thiết bị hiện đại là điều không thể thiếu.
Nghiêm túc đánh giá vấn đề xã hội hóa y tế, giáo dục...
Bàn về vấn đề vướng mắc trong đấu thầu trang thiết bị y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) chia sẻ, đã 6 tháng trôi qua kể từ kỳ họp trước, với nhiều vấn đề liên quan đến đấu thầu được các đại biểu Quốc hội “mổ xẻ”, đặc biệt là cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, tình trạng thiếu vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, y tế dự phòng củng cố như thế nào để có thể đối phó được với các nạn dịch có thể tiếp tục xảy ra sau này...
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại họp tổ sáng 24/10 - Ảnh: M.Minh |
Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn có hay không sự cải thiện khi đầu vào y tế vẫn vướng về đấu thầu, chưa kể một số văn bản quy phạm pháp luật thời hạn rất ngắn từ Thông tư 14, Nghị quyết 30 của Chính phủ sắp hết hạn…
Từ đó, nữ đại biểu đề nghị cần phải có sự phân tích sâu thêm.
Bên cạnh đó, bà Lan cho biết, nguồn cơn của y tế và giáo dục đang có nhiều sự cố xảy ra chung quy chỉ vì không kiểm soát được tốt vấn đề xã hội hóa.
“Chúng ta phải thấy rằng, nếu giáo dục tự lo thì chỉ có cách “bổ” vào học sinh, còn y tế mà tự lo thì chỉ “bổ” vào bệnh nhân."
"Trong khi, việc xã hội hóa để tư nhân phát triển là một kênh, còn kênh đầu tư của ngân sách nhà nước chúng ta vẫn phải tiếp tục, cần phải tăng dần lên. Cho đến nay, chưa có một tổng kết chính thức nào về vấn đề chúng ta đã xã hội hóa y tế thế nào?"
“Nếu để các bệnh viện “tự bơi”, lâu lâu thay đổi một lần, nhưng các thay đổi không dựa trên nghiên cứu sâu, kỹ về mặt cơ chế thì tình trạng này dẫn đến một điều đau lòng đó là ai có tiền mới được khám chữa bệnh tốt, ai có tiền thì con cái mới được học hành đàng hoàng. Điều đó đi ngược lại với tất cả những gì mà thế hệ trước đã tập trung để làm”, bà Lan nói.