Giải tỏa hơn 60.000 tỷ đồng nợ xấu, cách nào?

(ĐTCK) Trong năm 2017, quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng ghi nhận nhiều tích cực, nhất là kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 được ban hành. Tuy nhiên, với hơn 60.000 tỷ đồng nợ xấu tính đến cuối 2017, ngành ngân hàng vẫn còn nhiều việc phải làm, ít nhất là trong năm 2018.
Giải tỏa hơn 60.000 tỷ đồng nợ xấu, cách nào?

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tính đến cuối năm 2017 đạt 9,5%, giảm so với mức 11,9% cuối năm 2016.

Thống kê từ báo cáo tài chính năm 2017 của 13 ngân hàng cổ phần cho thấy, tại thời điểm 31/12/2017, tổng nợ xấu tại các ngân hàng này là 60.533 tỷ đồng, tăng 0,7% so với đầu năm. Trong đó, có 5 nhà băng có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ tăng trong năm qua, đó là Vietinbank, SHB, VPBank, Techcombank và TPBank.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn, tính đến cuối năm 2017 đã giảm 8,3% so với đầu năm.

Theo đại diện NHNN, kể từ khi có Nghị quyết 42, các TCTD đã tích cực rà soát các khoản nợ, phân loại nợ, phối hợp với các đơn vị có liên quan để xử lý nợ xấu và bước đầu đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, theo nhận định từ một chuyên gia tài chính, Nghị quyết 42/2017 mới mở cánh cửa thu giữ tài sản bảo đảm của chủ nợ trong trường hợp không có sự hợp tác của con nợ, nhưng chưa trao toàn quyền định đoạt tài sản cho chủ nợ.

"Khó khăn vẫn treo lơ lửng trên đầu các ông chủ nhà băng, do đó rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng có liên quan như tòa án để đẩy nhanh tiến độ và số lượng thu hồi nợ xấu", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Thực tế, Nghị quyết 42 đã tạo điều kiện tích cực cho các ngân hàng trong quá trình đẩy lùi nợ xấu, song việc phát mãi tài sản là không dễ dàng. Hơn nữa, để xử lý được khối nợ xấu lớn như trên đòi hỏi nhiều thời gian. Bởi vậy, tuy bức tranh lợi nhuận nhà băng năm qua đã có nhiều “gam” sáng, nhưng áp lực trích lập dự phòng rủi ro sẽ vẫn là gánh nặng của không ít ngân hàng trong năm nay.

Tính đến cuối 2017, ACB là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong nhóm khảo sát, ở mức 0,7%, giảm so với mức 0,87% hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 giảm từ 0,64% xuống 0,4% trên tổng dư nợ. Dù vậy, ACB vẫn phải dành 2.565 tỷ đồng cho việc trích lập dự phòng trong 2018, gấp 2,1 lần năm 2017 và chiếm tới 49,1% lợi nhuận thuần năm này.

Tại BIDV, con số này lên tới 14.915 tỷ đồng, tăng 62,1% và chiếm tới 62,9% lợi nhuận thuần 2017. Đây cũng là ngân hàng trích lập dự phòng nhiều nhất hệ thống. Tính về con số tuyệt đối, BIDV là ngân hàng đang có số nợ xấu lớn nhất là 13.950 tỷ đồng, chiếm 1,61% tổng dư nợ. 

Tương tự, Vietinbank cũng tăng trích lập tới gần 65%, lên 8.344 tỷ đồng, chiếm 47,5% lợi nhuận thuần năm qua. Tại Sacombank, đến cuối năm 2017, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của Ngân hàng đã lùi về mức 4,16%, từ mức 6,91% hồi đầu năm, nhưng rõ ràng, tỷ lệ này vẫn cao hơn mức tối thiểu 3%.

So với những năm trước, hiện các TCTD hạn chế chuyển nợ sang cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC), trong khi các hình thức xử lý nợ xấu khác như bán nợ, phát mại tài sản đảm bảo, đặc biệt là sử dụng dự phòng rủi ro được đẩy mạnh hơn.

Theo các chuyên gia tài chính, tuy quá trình xử lý nợ xấu ghi nhận nhiều tích cực thời gian qua, nhưng để xử ký dứt điểm, cần thành lập thị trường mua bán nợ xấu, bởi trên thực tế, nhiều người muốn giao dịch nợ, nhưng khó thực hiện do vướng quy chế.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Bộ Tài chính nên là cơ quan đầu mối thúc đẩy việc thành lập thị trường mua bán nợ để các chủ thể tham gia thị trường này.

Theo dự báo của NFSC, trong năm nay, hoạt động xử lý nợ xấu tiếp tục tích cực và thực chất hơn nhờ các yếu tố vĩ mô ổn định, khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo dần cải thiện. Để triển khai quyết liệt việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tập trung chỉ đạo các TCTD triển khai hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”.

"Các tổ chức tín dụng cần tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp tại phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt, đảm bảo theo đúng lộ trình đề ra. Xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai áp dụng chuẩn mực Basel II, các nguyên tắc quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế", Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục