Nghị định 116 và Thông tư 03: Những ý kiến trái chiều
Nghị định 116 được Chính phủ ban hành ngày 17/10/2017, quy định các điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Sau khi ban hành, nghị định này nhận được nhiều ý kiến phản hồi khác nhau từ phía các doanh nghiệp.
Đến đầu năm 2018, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành Thông tư 03/2018 hướng dẫn thi hành Nghị định 116/2017 về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 1/3/2018. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục có ý kiến về thông tư này.
Theo phản ánh của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA), có 3 vấn đề lớn liên quan tới Nghị định 116 và Thông tư 03. Thứ nhất là quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài; thứ hai là quy định kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu và thứ ba là quy định về đường thử đối với hoạt động sản xuất ô tô.
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng, những quy định trên đang “bó” nhà nhập khẩu tư nhân, bởi nhiều doanh nghiệp hiện không có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, chưa có đường thử. Theo đại diện Toyota Việt Nam, quy định tại Nghị định 116 đang làm tốn thêm chi phí cho doanh nghiệp nhập khẩu, khiến giá xe tăng cao…
"Chúng tôi ủng hộ Việt Nam có nền sản xuất ô tô phát triển, song các quy định cần rõ ràng, thống nhất hơn", đại diện doanh nghiệp Mỹ kiến nghị.
Trái với phản ứng của các doanh nghiệp nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất trong nước bày tỏ sự đồng tình với quy định mới. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) nêu rõ: “Chúng tôi không xin bảo hộ, chỉ đề nghị triển khai chiến lược phát triển ngành ô tô như Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành, trong đó cần thúc đẩy sản xuất lắp ráp trong nước”.
Theo ông Dương, Nghị định 116 sẽ đưa ngành sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và bảo trì, bảo dưỡng xe ô tô thành ngành kinh doanh có điều kiện nhằm đảm bảo điều kiện môi trường, an toàn cho người tiêu dùng, cũng như sự công bằng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
"Quy định về bản sao giấy chứng nhận thể loại cho xe nhập khẩu là dành cho cả sản xuất trong nước. Từ năm 2016, Thaco đã thực hiện điều này khi đưa xe ra nước ngoài. Giấy chứng nhận chủng loại giống như lý lịch của một chiếc xe, trong đó nêu rõ về công nghệ và các tính năng của xe, được chứng thực của các cơ quan có thẩm quyền, chứ không phải qua phương thức marketing của các hãng xe", ông Dương cho hay.
Liên quan đến đường thử, ông Dương cho rằng, đường thử trước đây đã quá lỗi thời vì tồn tại gần 20 năm nay. Còn về quy định thử theo lỗ, theo ông Dương, vẫn có trường hợp xe kiểm định thì đạt, nhưng khi đưa về Việt Nam thì lại không đạt, nên vẫn phải kiểm định khí thải.
"Nếu ô tô sản xuất trong nước phải qua thử nghiệm thì xe nhập khẩu cũng phải làm điều này. Còn giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là cơ sở đầu tiên để các cơ quan nhà nước và người tiêu dùng đánh giá chiếc xe nhập khẩu có đáp ứng được yêu cầu hay không", ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công nhấn mạnh.
Việt Nam cần đảm bảo nền sản xuất ô tô tự chủ
“Chính phủ luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị, không có ý tưởng tạo rào cản cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện có thể có những khó khăn, vướng mắc, các bên cần ngồi lại với nhau để hoàn thiện hành lang pháp lý”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ nói và cho biết, các vướng mắc cụ thể sẽ được giải quyết, các lô hàng được ký hợp đồng trước khi Nghị định 116 có hiệu lực sẽ được xem xét, xử lý phù hợp.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhìn nhận, là quốc gia đang phát triển, Việt Nam có chủ trương thống nhất và hội nhập sâu, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng cũng cần đảm bảo nền sản xuất tự chủ.
"Với thị trường 100 triệu dân, Chính phủ Việt Nam có trách nhiệm thúc đẩy để đảm bảo sản xuất. Không đặt vấn đề trở thành quốc gia có thị trường ô tô cạnh tranh, song Việt Nam cũng cần đảm bảo cho nhu cầu trong nước. Chúng tôi mong có sự ủng hộ của các nước, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc xem xét sửa Nghị định 116 hay không sẽ được cân nhắc thấu đáo, song cũng cần ghi nhận rằng, Nghị định 116 là một tiến bộ lớn cho ngành ô tô, đúng với chủ trưởng của Thủ tướng và Chính phủ về tiếp tục mở rộng phát triển ngành ô tô trong nước, có chính sách thu hút tốt hơn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, tương đương các nước trong khu vực.