Giải quyết tồn đọng ODA cho TP.HCM sẽ góp phần tháo gỡ chung cho cả nước

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, việc giải quyết tồn đọng trong giải ngân vốn ODA của TP.HCM cũng xem như tháo gỡ chung cho cả nước.
Đối với các hiệp định cho vay và gia hạn hiệp định, Phó Thủ tướng yêu cầu TP.HCM cần chủ động phát hiện các hiệp định vay sắp hết hạn, tránh tình trạng quá hạn dẫn đến treo thủ tục (ảnh: Lê Toàn) Đối với các hiệp định cho vay và gia hạn hiệp định, Phó Thủ tướng yêu cầu TP.HCM cần chủ động phát hiện các hiệp định vay sắp hết hạn, tránh tình trạng quá hạn dẫn đến treo thủ tục (ảnh: Lê Toàn)

Tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh với UBND Thành phố về các dự án ODA của TP.HCM diễn ra vào chiều 29/6, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM lý giải nguyên nhân chậm hiện nay là do vướng mắc từ nhiều cơ quan, nên có những dự án vốn ODA giải ngân rất chậm.

“Như dự án Metro số 1, khó khăn vướng mắc là do tổng mức đầu tư duyệt ban đầu. Chưa kể, đần đến Tết Nguyên Đán thì các nhà thầu lại bãi công, nên Thành phố phải họp thường trực ủy ban để tạm ứng vốn. Đến nay, Thành phố đã tạm ứng 5 nghìn tỷ đồng”, ông Phong nói.

Đối với tuyến metro số 2, công tác thực hiện giải phóng mặt bằng được triển khai rất thuận lợi, Thành phố đặt ra mục tiêu là tới ngày 30/6 phải xong nhưng một số địa phương vẫn còn lúng túng, Thành phố đang cố gắng hoàn tất và sau Đại hội Đảng Bộ sẽ khởi công tuyến metro số 2.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, ODA là nguồn vốn rất quan trọng phục vụ cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng đất nước, tập trung chính vào các lĩnh vực như giao thông, môi trường, năng lượng, xóa đói giảm nghèo…Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, ngoài phần giao thông và năng lượng, vốn ODA tập trung rất nhiều vào phát triển đô thị như TP.HCM và Hà Nội. Trong đó, TP.HCM đã ký kết khoảng 5,8 tỷ USD vốn ODA, vay ưu đãi.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn ODA chiếm khoảng 10% vốn ngân sách đầu tư của thành phố. Các dự án ODA của Thành phố cũng rất hiệu quả như dự án BOT hầm Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, v.v…

“Những dự án giúp chuyển biến mạnh mẽ đô thị TP.HCM góp phần thúc đẩy đời sống phát triển kinh tế xã hội của Thành phố trong năm qua. Trong giai đoạn 2016 – 2020 có sự chuyển dịch thực hiện nhiều nghị định mới của nhà nước nên cách thức giải ngân và bố trí nguồn vốn ODA có một số vướng mắc nhất định", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết thêm, trong giai đọan 2018 - 2020, nguồn vốn vay mới cực kỳ hạn chế. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng kịch bản phát triển trong 5 năm và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030 thì nguồn vốn ODA, đặc biệt là nguồn vay ưu đãi rất quan trọng với sự phát triển của cả nước và địa phương như Hà Nội và TP.HCM.

“Nghị quyết 54 cũng có quy định TP.HCM tiếp cận vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi bằng cách chịu trách nhiệm, nhà nước vay và cho thành phố vay lại 100%. Theo hình thức tự vay tự trả, nhà nước sẽ là trung gian thực hiện thủ tục và TP.HCM sẽ tổ chức thực hiện dự án và trả khoản vay sau này”, Thứ trưởng Thắng nói và nhấn mạnh, với cơ chế tài chính này và các hình thức quản lý đầu tư mới khi Quốc Hội thông qua, trong giai đoạn tới, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ rất quan trọng với Thành phố để thực hiện mục tiêu phát triển trong các lĩnh vực liên quan đến kết cấu hạ tầng như đường sắt đô thị, đường sắt trên cao v.v…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, mục đích của đoàn công tác Chính Phủ là giải quyết các vướng mắc nguồn vốn ODA của TP.HCM vì trong tỷ lệ nguồn ODA cả nước, TP.HCM chiếm nhiều nhất.  Việc thúc đẩy giải ngân được vốn ODA trong năm 2020 cho TP.HCM thì sẽ đóng góp vào được giải ngân vốn nói chung cho cả nước.

Đối với những vướng mắc của tuyến Metro số 1, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là một trong những dự án quan trọng mà có thể giải ngân được trong năm 2020 nếu giải quyết được một số vấn đề thì sẽ tăng được giải ngân của Thành phố nói chung.

“Các vấn đề hiện nay đang còn vướng mắc là việc giải quyết cho chuyên gia quay trở lại. Vấn đề giải quyết nhanh, không chỉ metro số 1 mà các dự án khác thì Thành phố nên chủ động. Hiện nay chúng ta cũng có mở rồi, cho các chuyên gia cao cấp, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi”, Phó Thủ tướng nói và nêu gợi ý, nếu các chuyên gia trong dự án này đông thì có thể giải quyết đề theo nghị cách ly tại cơ sở sản xuất, vấn đề này cũng đã giải quyết tại nhiều doanh nghiệp lớn có các chuyên gia nước ngoài.

“Thứ hai là vấn đề ghi đồng tiền Yên hay đồng tiền Việt, đây là vấn đề đã trao đổi nhiều lần, ở đây Bộ tài chính cũng có nêu là quan trọng là hiệp định vay mình ký là đồng tiền gì? Phải làm rõ nguồn cấp phát là tiền Yên hay tiền Việt để giải quyết. Một điểm nữa là việc trả lại nguồn vốn mà Thành phố đã tạm ứng, vấn đề này Bộ Tài chính cũng đang thực hiện và cố gắng hoàn thiện trong tháng 7 sắp tới”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với vốn dư, Phó Thủ tướng cho rằng, Thành phố đưa ra vốn dư nhưng chưa quyết toán được tất cả, chưa báo cáo cụ thể sẽ thực hiện dự án nào. Về nguyên tắc, vốn dư nếu sử dụng trong khuôn khổ dự án thì có thể hoàn tòa thực hiện, nhưng ngoài dự án thì phải lập một dự án mới.

“Tính thời điểm hiện nay, Bộ Tài Chính cho rằng chưa có cơ sở đánh giá dự án này có vốn dư, đề nghị làm rõ phần quyết toán. Đây là vấn đề nằm trong Thành phố chứ không phải ở các Bộ, ngành. Nếu có vốn dư, chuyển ra cho các dự án mới thì các Bộ, ngành sẽ căn cứ vào đó để làm các thủ tục”, Phó Thủ tướng nói.

Về các hiệp định cho vay và gia hạn các hiệp định, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, về nguyên tắc sẽ gia hạn các hiệp định vay nếu chưa sử dụng hết. “Thành phố phải hết sức chủ động phát hiện ra các hiệp định vay sắp hết hạn để làm thủ tục. Vấn đề khó khăn ở một số dự án về thủ tục gia hạn là làm thủ tục không kịp, dẫn đến quá thời hạn nên không kịp và dẫn đến treo lại” Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Thành phố cần hết sức chủ động trọng việc làm hồ sơ thủ tục gia hạn các hiệp định vay.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục