Giải quyết nợ xấu, cần quyết liệt đi kèm sự hy sinh

(ĐTCK) Theo kế hoạch, năm 2015, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) sẽ mua 80.000 tỷ đồng nợ gốc. Như vậy, con số nợ xấu mà VAMC mua về từ các ngân hàng thương mại là rất lớn, nên cần thiết phải tìm đầu ra cho nợ xấu.
Giải quyết nợ xấu, cần quyết liệt đi kèm sự hy sinh

Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC có hiệu lực từ ngày 5/4/2015 được cho là cần thiết. Nghị định được thị trường đánh giá là hành động quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu năm 2015.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu chính của Nghị định 34/2015/NĐ-CP là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc mua bán, xử lý nợ xấu và cụ thể là việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường. Tháo gỡ đầu tiên là chỉ cần hội đủ điều kiện, nếu tài sản đảm bảo có khả năng phát mại cộng với giá trị khoản nợ được đánh giá có thể thu hồi đầy đủ, hoặc khách hàng có khả năng phục hồi và khoản nợ được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ… sẽ được mua nợ.

Nghị định 34/2015/NĐ-CP cũng bổ sung quy định xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua. Cụ thể, sau một lần bán đấu giá tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo quy định nêu trên không thành, VAMC được tiếp tục bán tài sản đó thông qua phương thức bán đấu giá, hoặc bán tài sản đó trên cơ sở thỏa thuận trực tiếp với bên mua. Hiện VAMC đang thẩm định 100-200 tỷ đồng nợ xấu để thí điểm mua bán nợ xấu theo giá thị trường năm 2015.

Dưới góc độ nhà tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc cần giải quyết hiện nay là làm sao hình thành được thị trường mua - bán nợ. Từ đó, có những giải pháp mở hơn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua - bán nợ. Chẳng hạn, với những dự án xây dựng dở dang, nhưng cạn vốn, có thể cho phép thu hút vốn nước ngoài để hoàn thành dự án. Vấn đề còn lại là, cần gia tăng quyền cho VAMC trong xử lý hành chính, thì việc xử lý nợ xấu mới có thể được triệt để, thay vì chỉ có thể chuyển đổi như hiện nay.

Như vậy, việc bán tiếp với giá nào, cần có sự chia sẻ để hài hòa lợi ích giữa các bên. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc thì bán nợ xấu thu lại 45%, còn của Trung Quốc là 40%. Nhưng với Việt Nam, sau khi mua nợ xấu từ các ngân hàng thương mại, VAMC muốn bán lại nợ xấu theo giá thị trường cũng là điều hết sức khó khăn, vì sợ thất thoát vốn. Thêm vào đó, vấn đề xử lý nợ xấu bằng cách phát mãi tài sản cũng không dễ. Bởi vậy, để giải quyết được nợ xấu và mua bán nợ theo cơ chế thị trường, cần phải quyết liệt đi kèm sự hy sinh. Đồng thời, để có thể giải quyết được nợ xấu, cần phải có nguồn lực thật cho VAMC hoặc phía các ngân hàng cũng phải chịu lỗ.

2015 là năm mà các ngân hàng phải thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN (quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

Như vậy, các tổ chức tín dụng phải phân loại, đánh giá khách hàng đúng thực chất, chất lượng từng khoản nợ. Do đó, các tổ chức tín dụng sẽ chủ động đặt vấn đề bán nợ cho VAMC nhiều hơn năm 2014. Ngân hàng Nhà nước cũng có chủ trương áp chỉ tiêu nợ xấu phải bán cho VAMC xuống từng ngân hàng thương mại.

Vì thế, theo PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, mua bán nợ theo giá thị trường dứt khoát sẽ được thực hiện trong năm 2015. VAMC đã được tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng, chuẩn bị các bước và triển khai việc mua bán nợ theo giá thị trường. Mục tiêu số nợ xấu VAMC dự kiến mua trong năm 2016 đạt khoảng 200.000 tỷ đồng, còn số nợ xấu xử lý, thu hồi đạt 20.000-40.000 tỷ đồng.

Thùy Vinh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục