Câu hỏi của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng với 100 nhân tài người Việt đang làm việc và nghiên cứu tại nước ngoài cũng là niềm trăn trở của nhiều nhà quản lý, giới chuyên gia và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.
Giải phóng nguồn lực tăng trưởng, tìm ra những cách làm mới để duy trì sự phát triển bền vững là hành trình không có điểm dừng.
Ở tầm vĩ mô, Ðảng và Chính phủ luôn quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế. Dù là khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân hay đầu tư nước ngoài, đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế tư nhân được kỳ vọng trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Nhiều con số đã chứng minh, sức bật của nền kinh tế có tác động mạnh mẽ từ khu vực kinh tế tư nhân, nhất là về tăng trưởng, đầu tư, thương mại, tạo việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Ðáng mừng nữa là nền kinh tế trong những năm gần đây chứng kiến sự phát triển vượt bậc của một số doanh nghiệp tư nhân lớn, góp phần phát triển đất nước, nâng cao chất lượng và khả năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ của các ngành kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp đã tích tụ được nguồn lực, đầu tư lớn cho sản xuất, dịch vụ, tập trung cho khoa học công nghệ, coi đó là chìa khóa, là con đường để tăng tốc, bắt kịp với thế giới. Một hệ sinh thái cho khởi nghiệp cũng được kiến tạo với sự tham dự của những đầu tàu tư nhân, góp phần tạo ra hơn 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup), bước đầu đã tạo dựng được các thương hiệu Việt về công nghệ thông tin.
Song vẫn còn đó nhiều vấn đề cần giải quyết. Môi trường kinh doanh của Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận chưa thực sự thuận lợi, chưa được cải thiện vững chắc, thậm chí còn nhiều rào cản đối với phát triển kinh tế.
Trong các cuộc đối thoại với cơ quan quản lý, nhiều doanh nhân đã thẳng thắn đóng góp ý kiến, “hiến kế” cho Chính phủ xem xét, tháo gỡ những nút thắt níu kéo doanh nghiệp lâu nay.
Khi tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp được lắng nghe, Chính phủ và các địa phương cùng quyết liệt hành động, chắc hẳn sẽ bùng lên niềm tin mạnh mẽ về một công cuộc vĩ đại đánh thức các tiềm lực mới cho phát triển kinh tế.
Khi đất nước có những hệ sinh thái để doanh nghiệp và người dân phát triển, chắc chắn sẽ có thêm nhân tài ở nhiều lĩnh vực, có thêm nhiều “chất xám” quay về phụng sự Tổ quốc. Việt Nam sẽ chuyển mình mạnh mẽ để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn lên thành con hổ châu Á mới như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng.