Giải pháp nào cho tăng trưởng vững tiến?

(ĐTCK) Kinh tế Việt Nam ghi nhận những kết quả khả quan khi kết thúc quý I/2018, GDP tăng 7,38%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Để thúc đẩy tăng trưởng 2018 về đích kế hoạch, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra hàng loạt nhiệm vụ với các bộ, ngành, địa phương, đốc thúc đổi mới và tăng tốc.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Ngành công nghiệp chủ chốt tăng trưởng cao

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2018 duy trì đà tăng cao, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính thúc đẩy mức tăng chung của toàn ngành. Các ngành công nghiệp chủ chốt như khai thác dầu khí, than, điện, chế biến chế tạo đều có mức tăng trưởng khá, đáp ứng yêu cầu của kế hoạch sản xuất - kinh doanh đề ra.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, trong quý I/2018, giá dầu thô bình quân khoảng 68,5 USD/thùng, cao hơn mức dự kiến và cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 khoảng 58 USD/thùng). Sản lượng dầu mỏ thô khai thác đạt khoảng 3,64 triệu tấn, cao hơn mức dự kiến (3,57 triệu tấn). Khai thác khí ước đạt 2,71 tỷ m3, cao hơn mức dự kiến (2,5 tỷ m3), tăng 7,5%.

Với ngành than, dự kiến sản lượng than khai thác cả năm đạt khoảng 41,51 triệu tấn, tăng 9,2% so với năm 2017. Trong đó, quý I ước đạt 10,76 triệu tấn, bằng 25,92% kế hoạch năm.

Trong khi đó, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết đang đón nhận tin vui từ đầu năm khi than sạch tiêu thụ trong quý I ước đạt 9,71 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ 2017, trong đó xuất khẩu khoảng 412.000 tấn, tăng hơn 2,3 lần; tồn kho có xu hướng giảm.

Ngành điện dự kiến sản lượng điện sản xuất và mua cả năm ước đạt 210,5 tỷ KWh, tăng 9,1%, trong đó sản lượng điện sản xuất và mua quý I ước đạt 46,41 tỷ kWh, bằng khoảng 21,8% kế hoạch năm.

Đánh giá chung, ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng cao nhờ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thuận lợi cả trong và ngoài nước. Theo đó, ngành công nghiệp tiếp tục thực hiện các biện pháp tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; bảo vệ lợi ích hợp pháp các ngành sản xuất trong nước; đẩy mạnh thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh không thực sự cần thiết, giải phóng lực lượng sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng sản lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp cần chuyển động nhanh hơn

Phát biểu tại Hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, mặc dù kết quả đạt được trong quý I có chuyển biến tích cực, nhưng không vì thế mà được chủ quan. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ kiên định và nhất quán mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp phải chuyển động nhanh hơn.

Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp của từng ngành cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngành dầu khí tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng, ưu tiên các dự án; ngành than tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp ổn định sản xuất - kinh doanh, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động đồng thời nghiên cứu, áp dụng các biện pháp ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất.

Ngành điện tăng cường phối hợp liên ngành thực hiện tốt công tác quản lý, xây dựng, vận hành và khai thác các công trình điện, đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện cho sản xuất, tiêu dùng tăng khoảng 9% so với năm 2017 gắn với rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các loại hình năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.

Giải pháp nào cho tăng trưởng vững tiến? ảnh 1

Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh cần theo dõi chặt diễn biến thị trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật thương mại ở các thị trường, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai phương án sản xuất, kinh doanh, khai thác tốt thời cơ, cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Đối với dệt may, cần tranh thủ tối đa các cơ hội, đơn hàng xuất khẩu, phấn đấu đạt mức tăng trưởng khá; đẩy nhanh chuyển dịch sang phương thức gia công hiện đại hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường; chú trọng khâu thiết kế, mẫu mã và hệ thống phân phối tại thị trường trong nước. Ngành da, giày tập trung tháo gỡ khó khăn nội tại, giữ vững thị phần xuất khẩu đi đôi với phát triển và mở rộng kênh phân phối trong nước.

Trong khi đó, giảm tồn kho hợp lý và sắp xếp, xử lý các dự án kém hiệu quả là vấn đề đáng lưu ý đối với ngành hóa chất, phân bón. Nhiều khả năng giá phân bón trên thị trường thế giới sẽ tăng do giảm nguồn cung từ Trung Quốc, nên các doanh nghiệp cần có phương án xuất khẩu nếu trong nước dư thừa năng lực sản xuất.

Bộ Công Thương được giao chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP trong công nghiệp năm 2018 đạt 7,3-7,65%; chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018 (IIP) đạt mức 9-10,8%. Chỉ tiêu tăng GDP ngành dịch vụ năm 2018 đạt mức 7,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt khoảng 475,5 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2017.

Bộ NN&PTNT phải đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp với yêu cầu tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt khoảng 3,05%, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 40 tỷ USD.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục