Giải pháp giúp doanh nghiệp hết “đói vốn”

0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh cải thiện quy trình, thủ tục, cần điều chỉnh mức lãi suất cho vay hợp lý để doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đồng thời, bản thân doanh nghiệp cũng phải đa dạng hóa nguồn vốn, minh bạch thông tin để mở rộng các kênh hợp tác đầu tư.

Vốn dồi dào, doanh nghiệp “không dám vay”

“Đói vốn”, “khó tiếp cận vốn” là từ khóa được các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp nhiều lần nhắc tới tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ II diễn ra mới đây.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh, nguyên nhân của tình trạng này là do doanh nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng và chưa đa dạng hóa nguồn vốn.

“Phần khác là chưa quan tâm thích đáng đến quản lý tài chính, huy động vốn từ thị trường vốn chưa bài bản, thiếu minh bạch, sử dụng vốn còn sai mục đích, đầu tư dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, thiếu tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh khả thi…”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Ước tính của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV thông qua tổng hợp từ số liệu của các cơ quan quản lý, năm 2022, vốn tín dụng chiếm 48,4% trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia chỉ ra rằng, bản chất câu chuyện tín dụng cũng như hiện tượng doanh nghiệp “đói vốn” thời điểm này không phải do hệ thống ngân hàng thiếu vốn, mà là có vốn, nhưng doanh nghiệp không dám vay, không hấp thụ được, vì mặt bằng lãi suất vẫn cao và cầu tín dụng giảm.

Nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa trùng với công bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, tổ chức đầu tuần này (3/4). Đó là, tiền gửi sau Tết tại hệ thống ngân hàng khá cao, các ngân hàng đang dồi dào thanh khoản, trong khi đó, tín dụng quý I/2023 chỉ tăng 2,06% so với cuối năm 2022.

Sau giai đoạn căng thẳng về thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều gói tín dụng lớn và giảm lãi suất cho vay. Việc 2 lần giảm lãi suất điều hành trong khoảng 1 tháng trở lại đây được các doanh nghiệp đánh giá là chính sách rất tốt và kịp thời, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, lãi suất hiện nay vẫn quá cao và vượt nhiều quốc gia trong khu vực. “Mức lãi suất cho vay phải giảm thêm 2 - 3% nữa, thì doanh nghiệp mới dám tiếp cận”, bà Nga nói.

Đa dạng hóa nguồn vốn

Liên quan vấn đề tiếp cận vốn, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa phản ánh, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như thủ tục, hồ sơ vay vốn rườm rà, nhiều ràng buộc, không nhất quán…

“Công tác thẩm định tài sản thế chấp của các doanh nghiệp tư nhân khi thực hiện vay vốn còn chưa kịp thời, thường xuyên chậm trễ, kéo dài thời gian giải ngân, gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, khiến họ bị bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh”, ông Đoan dẫn chứng.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ, ông Đoan cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có ý kiến chỉ đạo, quy định cụ thể về mốc thời gian thẩm định tài sản, thời gian giải ngân để doanh nghiệp chủ động kế hoạch kinh doanh.

Cũng theo ông Đoan, các ngân hàng thương mại có thể chia sẻ với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này bằng cách xem xét, kiểm soát chi phí đầu vào, rủi ro trong hoạt động để thu hẹp chênh lệch này, qua đó giảm lãi suất cho vay.

Về phía doanh nghiệp, các chuyên gia nhấn mạnh, doanh nghiệp phải đa dạng nguồn vốn, không nên quá tập trung vào nguồn vốn tín dụng.

Để làm được điều đó, TS. Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin cần thiết và quan trọng cho đối tác, nhà đầu tư. “Các báo cáo kiểm toán tài chính định kỳ hằng năm, báo cáo đánh giá xếp hạng tín nhiệm… là rất cần thiết trong việc mời gọi hợp tác đầu tư, mua bán - sáp nhập (M&A) và phát hành, chào bán trái phiếu ra thị trường trong nước hoặc quốc tế”, ông Minh nói.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục