Tuy nhiên, một số rào cản nội tại đến từ ý thức người lao động, nhà bảo hiểm, các doanh nghiệp dịch vụ phụ trợ đang kìm hãm sự phát triển của thị trường và tiềm năng đầu tư từ các nước khác trên thế giới.
Thị trường bảo hiểm, cả nhân thọ và phi nhân thọ, trong những năm qua có nhiều bước phát triển rõ rệt, tốc độ tăng trưởng cao, trở thành ngành nghề kinh doanh hấp dẫn. Nhiều tổ chức tài chính nước ngoài luôn đánh giá cao về tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm được điều chỉnh bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm. Ðây là văn bản luật quan trọng, là cơ sở để phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc thực thi Luật cũng bộc lộ những bất cập, làm giảm sút hiệu quả điều chỉnh của pháp luật, chủ yếu do các nguyên nhân sau: kỹ năng xây dựng pháp luật, tính dự trù của các quy phạm pháp luật chưa cao; khả năng giải thích, áp dụng pháp luật bảo hiểm của cơ quan tài phán còn hạn chế; năng lực của các công ty giám định tổn thất chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống giám sát, quản lý, hỗ trợ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm chưa được hoàn thiện.
Về thực thi pháp luật kinh doanh bảo hiểm
Mặc dù Luật Kinh doanh bảo hiểm dựa trên các nguyên tắc chuyên ngành, nhưng thực tế số lượng tranh chấp bảo hiểm và mức độ phức tạp của các tranh chấp ngày càng tăng, do đó cần bổ sung các quy định về nguyên tắc chung trong lĩnh vực bảo hiểm, căn cứ trên tập quán vốn được áp dụng trong ngành (pháp điển hóa các nguyên tắc bảo hiểm).
Ðồng thời, cơ quan có thẩm quyền giám sát trong lĩnh vực bảo hiểm, cụ thể là Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và các cơ quan liên quan cần xây dựng cổng thông tin cơ sở dữ liệu về bảo hiểm đầy đủ và cụ thể hơn so với cổng thông tin hiện tại.
Nên cho phép cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu được truy cập các dữ liệu như: tình trạng đăng ký quy tắc bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động; các tranh chấp bảo hiểm tiêu biểu đã được giải quyết theo tố tụng tòa án (án lệ);
Các thống kê, phân tích về tập quán và nghiệp vụ bảo hiểm nhằm hỗ trợ cho cá nhân, tổ chức quan tâm hoặc đang có tranh chấp, kể cả “danh sách đen” các trường hợp trục lợi bảo hiểm bị phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật.
Ðiều này không chỉ có lợi cho các chủ thể tham gia giao dịch bảo hiểm, mà các chủ thể chưa tham gia thị trường này cũng có cơ hội được tiếp cận thông tin chính thống, minh bạch và có thống kê đầy đủ, giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn.
Bên cạnh đó, tham khảo kinh nghiệm nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, các tranh chấp bảo hiểm được xét xử bởi một hội đồng xét xử chuyên ngành, tách biệt trong xét xử với các tranh chấp dân sự khác, vì các tranh chấp bảo hiểm là tranh chấp mang tính đặc thù.
Việt Nam cũng nên xem xét thành lập các cấp tòa án chuyên ngành bảo hiểm, đặt tại các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhằm giải quyết nhanh và hiệu quả hơn các tranh chấp.
Về các doanh nghiệp bảo hiểm
Các doanh nghiệp bảo hiểm cả nhân thọ và phi nhân thọ đang phải đối mặt với rào cản xuất phát từ việc nhận thức pháp luật và chuyên môn bảo hiểm của một bộ phận không nhỏ những người hoạt động trong ngành còn thấp.
Các tranh chấp bảo hiểm phát sinh, kết luận bồi thường không phù hợp là hệ quả của sự thiếu hiểu biết và chủ quan, gây mất niềm tin cho các chủ thể khác trong xã hội đối với ngành bảo hiểm.
Tại nhiều công ty bảo hiểm, kết luận giám định về “nguyên nhân, mức độ tổn thất và phạm vi bảo hiểm” được xem là căn cứ cuối cùng, trong khi nhà bảo hiểm thường không xem xét lại liệu việc trích dẫn của nhà giám định đã phù hợp quy định pháp luật hay chưa.
Trong một số trường hợp, báo cáo giám định và hành vi có chủ đích từ hai chủ thể là nhà bảo hiểm và nhà giám định đã đẩy người được bảo hiểm đối diện với thực tế bị từ chối bồi thường trái luật.
Có trường hợp, công ty bảo hiểm trích dẫn Thông tư 220/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc để từ chối trách nhiệm bảo hiểm, hành động này thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và nhất quán trong việc thực hiện thỏa thuận với khách hàng.
Ðiều 4, Bộ luật Dân sự 2005 quy định nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận: “Cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng”.
Theo đó, hợp đồng và quy tắc bảo hiểm cần được ưu tiên áp dụng trước khi xem xét dẫn chiếu thông tư hay các quy định dưới luật có liên quan.
Ngoài ra, bộ quy tắc cho mỗi sản phẩm bảo hiểm được quy định chi tiết, cụ thể hơn so với các quy phạm pháp luật, việc không phân định rõ văn bản có hiệu lực cần được áp dụng sẽ gây thiệt hại đáng kể cho người mua bảo hiểm.
Ðáng chú ý, tình trạng bán bảo hiểm chạy theo doanh số, đào tạo đại lý ồ ạt, thiếu kiến thức, kỹ năng trong việc quản lý đại lý vẫn phổ biến.
Ðôi khi, hành vi vi phạm nghiệp vụ, pháp luật của đại lý bảo hiểm khiến khách hàng bị thiệt hại.
Do đó, chúng tôi kiến nghị, nhà bảo hiểm cần xem xét thêm nội dung, diễn biến ký kết hợp đồng, thay vì chỉ căn cứ trên hình thức thể hiện hợp đồng, nhằm tránh trường hợp tranh chấp bảo hiểm vì lý do không đáng có, làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và niềm tin của công chúng.
Về đơn vị giám định tổn thất
Do yêu cầu của nhà bảo hiểm, có đơn vị giám định tổn thất kết luận về các nội dung: xác định nguyên nhân, tính toán tổn thất và kết luận phạm vi bảo hiểm.
Tuy nhiên, căn cứ pháp luật về bảo hiểm và giám định, đơn vị giám định độc lập không thể kết luận sự kiện bảo hiểm thuộc trách nhiệm bảo hiểm hay không.
Theo quy định, công ty giám định không có thẩm quyền tài phán, họ chỉ cung cấp dịch vụ thương mại, trong phạm vi chuyên môn và kiến thức được pháp luật thừa nhận thông qua các điều kiện kinh doanh cụ thể.
Trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm, căn cứ vào kết luận nguyên nhân và mức độ thiệt hại, nhà bảo hiểm phải thực hiện cam kết hợp đồng của họ.
Nếu có tranh chấp, quyền phán quyết tổn thất thuộc hay không thuộc trách nhiệm bảo hiểm là của tòa án, không phải nhà giám định. Hành động này của các công ty giám định (nếu có) vô tình khiến các công ty bảo hiểm hoặc khách hàng có thể lợi dụng kết luận giám định để từ chối hoặc trục lợi bảo hiểm.
Thực tế, trong quá trình xử lý tranh chấp, có nhà giám định viện dẫn rằng, kết luận về phạm vi bảo hiểm mà họ cung cấp cho nhà bảo hiểm là một trong các dịch vụ tư vấn theo hợp đồng thương mại, do nhà bảo hiểm yêu cầu.
Việc tư vấn xác định phạm vi bảo hiểm trái với chuyên môn của nhà giám định đặt ra các câu hỏi: tại sao nhà bảo hiểm phải hỏi nhà giám định về phạm vi bảo hiểm, trong khi đơn bảo hiểm/sản phẩm do nhà bảo hiểm thiết kế và xây dựng?
Năng lực nhà bảo hiểm có hạn hay họ chuyển “quả bóng trách nhiệm” sang cho nhà giám định?
Nhà giám định có vi phạm nguyên tắc trung lập, khách quan khi tư vấn và phân định trách nhiệm bảo hiểm, có vi phạm Luật Giám định tư pháp, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các luật khác có liên quan về giới hạn và phạm vi của công việc giám định?
Chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp giám định cần thận trọng trong việc xem xét phạm vi bảo hiểm của bất kỳ loại hợp đồng bảo hiểm nào, nhà giám định chỉ nên kết luận nguyên nhân và mức độ tổn thất trong phạm vi chuyên môn của mình.
Việc kết luận tổn thất có được bồi thường hay không thuộc về nhà bảo hiểm hoặc cơ quan tài phán có thẩm quyền. Việc tư vấn hoặc trả lời nội dung phân định trách nhiệm bảo hiểm của nhà giám định có khả năng đẩy doanh nghiệp đến bờ vực thảm họa trong bối cảnh thị trường không còn biên giới do hội nhập mạnh mẽ.