Giải ngân vốn ngân sách dẫn dắt tăng trưởng GDP

Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản không chỉ trở lại trạng thái bình thường mà còn đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn, Tổng cục Thống kê Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn, Tổng cục Thống kê

Nếu như cùng kỳ năm 2019 giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ tăng 4,2% thì 5 tháng đầu năm nay tăng tới 15,6% - đây là mức tăng kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Giải ngân 31.100 tỷ đồng trong tháng 5/2020

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, nếu như tháng 4/2020, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước chỉ đạt 23.200 tỷ đồng - khối lượng giải ngân thấp nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2016 thì chỉ riêng tháng 5/2020 đã giải ngân thêm 31.100 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt mức giải ngân cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Nhờ vốn đầu tư giải ngân mạnh trong tháng 5 nên trong 5 tháng đầu năm nay đã đạt 116.300 tỷ đồng, bằng 25% kế hoạch năm và đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nước được cải thiện, theo Tổng cục Thống kê là nhờ kiểm soát được dịch Covid-19 nên hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản không chỉ trở lại trạng thái bình thường mà còn đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) trong bối cảnh các đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam đang phải “căng mình” chống Covid-19, hoạt động giao thương, đi lại giữa Việt Nam và các nước vẫn gần như bị đóng băng khiến nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị tác động tiêu cực thì việc tăng được vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là đầu tàu dẫn dắt tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020.

“Tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tổng vốn đầu tư công có xu hướng giảm nhưng vẫn chiếm trên 82% tổng vốn đầu tư công, vì vậy, đẩy nhanh được vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong lúc này chính là đòn bẩy tác động tích cực đến tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng và tăng trưởng GDP”, ông Phong bình luận.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nếu vốn đầu tư công tăng thên một điểm phần trăm sẽ có tác động lan tỏa tới tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng là 1,34 điểm phần trăm; vốn khu vực ngoài nhà nước tăng thêm 0,92 điểm phần trăm; đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm.

“Dư địa để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế của năm 2020 chính là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nếu giải ngân hết nguồn vốn này (đạt 100% kế hoạch được giao trong năm 2020, tương ứng với 451.000 tỷ đồng) thì tăng trưởng GDP sẽ có thêm 0,42 điểm phần trăm và góp phần làm tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội của năm 2020. Với những diễn biến thuận lợi như tháng 5 và thực hiện triệt để quyết tâm của Chính phủ là giải ngân hết số vốn từ năm trước chuyển sang với tổng khối lượng vào khoảng 700.000 tỷ đồng sẽ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế trong năm nay”, ông Phong nhấn mạnh.

Giải ngân FDI chỉ giảm nhẹ

Ngược lại với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (tính đến ngày 20/5/2020) bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố thì mới đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 1.212 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7,4 tỷ USD, giảm hơn 11% về số dự án và tăng 15,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 436 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,5 tỷ USD, tăng 31,4%. Ngoài ra còn có 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 3 tỷ USD, giảm gần 61%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,7 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lâm cho rằng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký không quan trọng, mà quan trọng là vốn thực hiện (vốn thực tế giải ngân). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới giảm sâu mà vốn đầu tư nước ngoài thực hiện của Việt Nam chỉ giảm khoảng 8% cũng là điểm sáng hiện nay.

Trong khi đó theo ông Phong, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm bị giảm ngoài nguyên nhân là cả đầu vào (nguyên liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng, chi tiết...) và đầu ra (xuất khẩu) bị ảnh hưởng do các đối tác kinh tế, đầu tư, thương mại của Việt Nam đang “bế quan tỏa cảng” để chống dịch bệnh còn có nguyên nhân là nhiều nhà đầu tư không thể đến được Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng từ nguyên nhân này.

“Từ đầu năm đến nay rất nhiều hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư của các nhà đầu tư tiềm nước ngoài bị trì hoãn do đường vận chuyển hàng không từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại bị đình trệ. Đối với các dự án đã đầu tư do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên đã hoãn quyết định tăng vốn do nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải hoạt động cầm chừng do thiếu quản lý, chuyên gia kĩ thuật người nước ngoài bị cách ly hoặc chưa thể quay lại Việt Nam làm việc”, ông Phong nói thêm.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục