Cụ thể, trong tháng 3 đã có thêm 51 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt 308 triệu USD. Tính chung 3 tháng đầu năm, đã có tổng số 139 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới là 1,924 tỷ USD, bằng 59,1% về số dự án và 59,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2009.
Với các dự án đã đăng ký trong giai đoạn trước, có 25 dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 50 triệu USD. Tính chung 3 tháng đầu năm, đã có 41 dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký đạt 215 triệu USD, bằng 51,3% về số dự án nhưng chỉ tương đương 5,2% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, thu hút vốn FDI cả cấp mới và tăng thêm trong quý 1 đã đạt 2,14 tỷ USD, bằng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng với con số quan trọng hơn, giải ngân FDI trong tháng 3 đã đạt 1,4 tỷ USD, nâng tổng số vốn FDI giải ngân trong quý 1 đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Nếu so với cùng kỳ, con số này đã tăng 13,6%, một kết quả đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt.
Với kết quả này, giải ngân vốn FDI đang “bỏ xa” vốn thu hút tới hơn 350 triệu USD. Quan trọng hơn, giải ngân vốn FDI đang có xu hướng tăng lên trong năm 2010: tháng 1 đạt 400 triệu USD; tháng 2 tăng thêm 700 triệu USD và tháng 3 gấp 2 lần tháng 2, gấp 3,5 lần tháng 1.
Trong “bảng vàng” thành tích thu hút FDI, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục dẫn đầu với 902,6 triệu USD. Tiếp đến là TP.HCM thu hút được 448 triệu USD. Quảng Ngãi đứng thứ ba với 340 triệu USD trong tổng số 15 tỉnh, thành phố thu hút vốn FDI trong năm 2010.
Về phía các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn vào Việt Nam, xếp thứ nhất thuộc về Hoa Kỳ với 980 triệu USD. Hàn Quốc đứng thứ hai với 585 triệu USD. Đầu tư gần 147 triệu USD vào Việt Nam trong 3 tháng qua, Singapore xếp vị trí thứ ba trong 25 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án FDI đầu tư kể từ đầu năm đến nay.