Giải ngân đầu tư công: Tránh gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính

Khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nếu không có giải pháp và chuẩn bị sớm có thể sẽ tác động đến mục tiêu giải ngân đầu tư công. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2025, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp để tránh “đứt gãy, gián đoạn” việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn này.
UBND cấp tỉnh phải xác định rõ tiến độ giải ngân, vướng mắc của từng dự án. Ảnh: Lê Tiên

Tháng 4/2025, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có dấu hiệu tăng tốc so với 3 tháng đầu năm, tuy nhiên, tính theo tỷ lệ vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân có cả những vấn đề cũ và yếu tố đặc thù của năm nay. Để đạt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, lượng vốn còn lại cần giải ngân rất lớn.

Theo Bộ Tài chính, cùng với tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các địa phương cần chú trọng các giải pháp chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp khi sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, trong giai đoạn sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải quyết liệt chỉ đạo, tổ chức triển khai, bảo đảm không để xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn trong việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nói chung, đặc biệt là dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án giao thông trọng điểm.

Các cấp chính quyền phải giữ vững tính liên tục và trách nhiệm quản lý, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện phân công các đầu mối chịu trách nhiệm tiếp quản đầy đủ hồ sơ, dữ liệu, kế hoạch đầu tư công của các chương trình, dự án, nhiệm vụ. Các hoạt động liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công còn dang dở của các chương trình, dự án, nhiệm vụ đầu tư công như lập kế hoạch, thẩm định, giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án, nghiệm thu khối lượng, thanh toán… phải được bàn giao rõ ràng, tránh để xảy ra “khoảng trống” khiến dự án bị đình trệ.

Cùng với đó, cần thực hiện kiện toàn nhân sự, tránh đứt gãy trong điều hành. Trong quá trình sáp nhập, bố trí đủ cán bộ để tiếp tục triển khai dự án: cán bộ cũ có trách nhiệm phối hợp đến khi hoàn tất bàn giao, cán bộ mới chủ động rà soát, nắm thông tin, kịp thời đôn đốc tiến độ. Các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành ở các cấp để khớp nối liên tục, bảo đảm không xảy ra tình trạng bỏ sót việc, đình trệ công việc.

Bộ Tài chính cũng lưu ý, cần chủ động rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn và hồ sơ pháp lý, bởi khi thay đổi địa giới hành chính, rất có thể cần điều chỉnh đơn vị nhận vốn, thay đổi chủ thể ký hợp đồng, quyết định đầu tư… Các địa phương cần khẩn trương hoàn tất hồ sơ, thủ tục điều chỉnh hoặc thống nhất kế hoạch, như điều chuyển kế hoạch vốn từ cấp huyện cũ sang cấp tỉnh hoặc xuống cấp xã, để bảo đảm không ách tắc trong luồng giải ngân.

Để thúc đẩy giải ngân, UBND cấp tỉnh phải xác định rõ tiến độ giải ngân của từng dự án, thường xuyên kiểm tra thực địa, nắm chắc các vướng mắc tại cơ sở, nhất là khi địa bàn được sáp nhập có thể trở nên rộng hơn; kịp thời tháo gỡ hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền các vấn đề vượt khả năng xử lý… Đồng thời, phối hợp tốt với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ khó khăn và có hướng dẫn cụ thể, bởi quá trình sáp nhập sẽ có nhiều điểm mới, vướng mắc chưa có tiền lệ.

Cùng với đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính) dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV có quy định khung để hướng dẫn chuyển tiếp một số nội dung khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Trong đó, Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vừa được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại phiên họp ngày 7/5/2025. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, dự kiến Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025; có điều khoản chuyển tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh, các nội dung chuyển tiếp nhằm bảo đảm hoạt động của chính quyền địa phương khi chuyển đổi mô hình chính quyền từ 3 cấp sang 2 cấp diễn ra liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp. Trong đó có quy định tiếp tục thực hiện các công việc, hồ sơ thủ tục hành chính của chính quyền địa phương cấp huyện đến ngày 1/7/2025 chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng phát sinh vấn đề cần giải quyết…

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính dự kiến được báo cáo Quốc hội ngày 17/5/2025. Theo bản Dự thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 44, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định chuyển tiếp với các quy định sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công theo hướng đối với các dự án do cấp huyện quản lý đang đầu tư nhưng chưa hoàn thành, việc xác định cấp tiếp nhận dự án (cấp tỉnh hoặc cấp xã) căn cứ theo quy định của pháp luật chuyên ngành về phân cấp quản lý công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Nguyệt Minh
baodauthau.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục