
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa đồng ý chủ trương cho Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện đề tài “Khảo sát đánh giá chất lượng, tiềm năng khai thác cát nhiễm mặn tại khu vực Đầm Thị Nại để phục vụ san nền các công trình trên địa bàn tỉnh”.
Được biết, theo tính toán của Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, tổng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh dự báo cần khoảng 11,728 triệu m3.
Riêng, dự báo nhu cầu sử dụng cát san nền phục vụ Dự án Đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku khởi công năm 2025 cần khoảng 1,568 triệu m3.
Trong khi đó, theo thống kê, tổng trữ lượng cát có thể huy động khai thác trong năm 2024 và 2025 của Bình Định đạt khoảng 1,04 triệu m3. Do đó, thời gian vừa qua, tỉnh đã xuất hiện tình trạng thiếu cát xây dựng để phục vụ xây dựng công trình.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định cho rằng, việc xem xét, huy động nguồn vật liệu cát xây dựng, nghiên cứu vật liệu mới, vật liệu thay thế để san nền, chuẩn bị phục vụ thi công các công trình trên địa bàn tỉnh (đặc biệt Dự án đường bộ cao tốc đoạn Quy Nhơn - Pleiku trên địa bàn tỉnh, Dự án đường sắt cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh) là cấp thiết, không để xảy ra hiện tượng chậm tiến độ xây dựng công trình do thiếu nguồn vật liệu để phục vụ dự án.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, kết quả chính đề tài hướng đến là đánh giá chất lượng, trữ lượng, các khu vực có tiềm năng khai thác cát nhiễm mặn trong đầm Thị Nại để phục vụ san nền công trình (đặc biệt các công trình giao thông, công trình đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, đường sắt cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh); các giải pháp xử lý nguồn vật liệu cát nhiễm mặn để phục vụ san nền công trình khu đô thị, giao thông…
Về thời gian, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định thông tin sẽ tiến hành các thủ tục và thời gian dự kiến bắt đầu thực hiện vào tháng 6/2025.
Được biết, đây là một trong các giải pháp được đề cập đến tại cuộc họp về chuẩn bị nguồn vật liệu để phục vụ san nền các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Bình Định, do ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch tỉnh này chủ trì vào ngày 16/4/2025.
Ngoài giải pháp trên, ông Hoàng cũng giao Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý để tổ chức khảo sát, xây dựng phương án khai thác nhằm huy động khối lượng vật liệu xây dựng từ hoạt động nạo vét tại các hồ chứa, đập dâng trên địa bàn tỉnh (đập dâng Văn Phong, đập dâng Phú Phong, đập Định Bình...).
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng với địa phương khảo sát, đánh giá trữ lượng cát xây dựng có thể khai thác của tất cả các dòng sông trên địa bàn tỉnh như sông Kôn, sông Hà Thanh, sông La Tinh, sông Lại Giang, sông An Lão...và xác định phạm vi khai thác, nạo vét cho phù hợp.
“Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục cấp giấy phép môi trường đối với các nhà đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương về sản xuất cát nhân tạo, để các nhà đầu tư sớm hoàn thành công tác lắp đặt dây chuyền thiết bị sản xuất, đi vào hoạt động theo quy định”, Phó chủ tịch Bình Định yêu cầu.
Trước đó vào tháng 6/2023, UBND tỉnh Bình Định có quyết định phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư tham gia đăng ký thực hiện Dự án Nạo vét luồng tàu phục vụ du lịch đầm Thị Nại. Theo đó, liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Bờ Biển Vàng và Công ty cổ phần Thị Nại Eco Bay là nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu. Dự án có tổng vốn đầu tư 64,7 tỷ đồng (vốn xã hội hóa), thời gian hoàn thành vào tháng 12/2024.
Đáng chú ý, khối lượng nạo vét ngoài 168.600 m3 bùn đen, còn có 170.400 m3 cát nhiễm mặn tại tuyến 2 bao quanh bên ngoài cồn Chim có chiều dài 7,4 km. Khối lượng tập kết khi nạo vét bao gồm 138.197 m3 bùn và 139.672 m3 cát nhiễm mặn.
Để xử lý sản phẩm nạo vét (bùn đen lẫn cát), UBND tỉnh Bình Định quy định, chủ đầu tư tận dụng sản phẩm nạo vét để san lấp mặt bằng các dự án đầu tư đã được cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư…