Giải mã việc Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết không muốn Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO

0:00 / 0:00
0:00
Thổ Nhĩ Kỳ rất khác biệt. Đây là quốc gia đầu tiên trong NATO phản đối kịch liệt nỗ lực của Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập khối quân sự này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Getty. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Getty.

Phần Lan, Thụy Điển háo hức gia nhập NATO nhưng vấp ngay "hòn đá lớn"

Sau nhiều thập kỷ trung lập, hai quốc gia Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển đã tuyên bố có ý định gia nhập liên minh quân sự NATO (do Mỹ đứng đầu) như một động thái phản ứng trước việc Nga tấn công Ukraine.

Nhưng có một trở ngại lớn đối với họ, đó là Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố ông sẽ không đồng ý cho 2 nước này gia nhập NATO. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO và theo cơ chế của khối này, nếu thiếu sự đồng thuận của NATO thì hai nước Phần Lan và Thụy Điển sẽ không thể gia nhập.

Tổng thống Erdogan là trường hợp duy nhất trong các nhà lãnh đạo NATO công khai tuyên bố ông chống lại nỗ lực gia nhập nói trên.

Động cơ sâu xa của ông Erdogan

Sự phản đối của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan dựa trên quan điểm của ông này cho rằng Phần Lan và Thụy Điển hậu thuẫn cho "khủng bố". Ý của ông Erdogan là cả hai nước đó đều bảo vệ và cung cấp nơi tá túc cho các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - nhánh vũ trang kháng chiến chống lại cách đối xử khắc nghiệt của Thổ Nhĩ Kỳ đối với hàng triệu người Kurd.

Số phận của những người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, và rộng hơn là của người Kurd trong toàn khu vực, là cốt lõi trong cuộc đấu tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số bộ phận của cộng đồng quốc tế.

Mặc dù Mỹ và EU liệt PKK vào danh sách các tổ chức khủng bố, Phần Lan và Thụy Điển lại tỏ ra lưỡng lự khi phải dẫn độ các thành viên của tổ chức này sang Thổ Nhĩ Kỳ do các quan ngại về nhân quyền.

Tổng thống Erdogan đã phản ứng trước thực tế đó bằng cách gọi Thụy Điển là nơi nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố và ông này tuyên bố rằng cả Phần Lan và Thụy Điển đều không có "thái độ rõ ràng, cởi mở" về các tổ chức khủng bố.

Các quốc gia Bắc Âu trung lập này còn lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria năm 2019. Trong chiến dịch đó, Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào Rojava - một khu vực người Kurd tự trị nằm gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề phức tạp hơn khi người Rojava, bất chấp mối liên hệ của họ với PKK, lại là đồng minh của lực lượng Mỹ.

Người Kurd tại Rojava đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi tổ chức khủng bố IS ở Syria nhưng sau đó đã bị chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump bỏ rơi. Khi ấy, quân Mỹ rút khỏi khỏi khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, mở đường cho đồng minh NATO của mình (Thổ Nhĩ Kỳ) tiến hình chiến dịch quân sự chống lại người Kurd.

Chính sách đối ngoại luôn gắn chặt với các mối quan ngại trong nước. Trong trường hợp chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, họ có mối lo sợ lớn là người Kurd có thể thách thức việc họ nắm quyền. Và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều biện pháp để "cương tỏa" người Kurd ở trong nước.

Mâu thuẫn trong NATO

Phần Lan và Thụy Điển là những nước trung lập nên không bị ràng buộc vào các thỏa hiệp chiến lược mà Mỹ và NATO buộc phải thực hiện để giữ sự đoàn kết trong khối liên minh này.

Trong khi đó, cả Phần Lan và Thụy Điển cho tới nay đều tự do lựa chọn quan điểm đạo đức của mình trước thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các quyền của người Kurd. Hai nước Bắc Âu đó đã chính thức phản đối cái mà họ gọi là sự trấn áp những người bất đồng chính kiến, các học giả, nhà báo và các nhóm thiểu số. Còn các nước NATO thì lấp lửng về Thổ Nhĩ Kỳ, họ nhất trí gọi PKK là tổ chức khủng bố.

Như vậy Phần Lan và Thụy Điển ít có cơ gia nhập được NATO.

Quy tắc kết nạp của NATO đòi hỏi sự nhất trí của toàn bộ các thành viên trong khối. Điều đó có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng phủ quyết được việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO.

Sự đối đầu trên cho thấy sự thiếu nhất quán bên trong NATO. Phần Lan và Thụy Điển được cho là đáp ứng được các tiêu chí của tư cách thành viên NATO tốt hơn cả một số nước khác đã là thành viên của NATO, đặc biệt trên khía cạnh "nhân quyền" mà NATO hay đề cập.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục