Trong khi đó, các yếu tố cốt lõi của nền kinh tế không có gì bất thường và cũng chẳng có thông tin giật gân, quá tốt hoặc quá xấu nào được công bố trong 2 ngày hoảng loạn.
Hiện trạng này khiến câu chuyện TTCK “giật đùng đùng” trở nên thú vị và như ông Lê Hải Trà, Phụ trách điều hành HÐQT Sở GDCK TP. HCM đánh giá thì lý do cốt yếu là bởi… hiệu ứng đám đông.
Ông Trà cho rằng, viện dẫn lý do TTCK giảm sâu hay tăng mạnh có thể nhiều, có liên quan hay không liên quan trực tiếp, nhưng khi có nhiều người cùng suy nghĩ và hành động theo một hướng thì hiệu ứng đám đông xảy ra.
TTCK được ví như thước đo, phản ánh sức khỏe của nền kinh tế một cách nhạy bén và chính xác. Tuy nhiên, các chỉ tiêu trọng yếu về “sức khỏe” của nền kinh tế đang được đo lường và công bố hàng tháng (Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng), còn sức khỏe kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn được công bố hàng quý (theo Thông tư 155).
Trong khi đó, chứng khoán lại được định giá hàng phút, hàng giờ theo cung - cầu từ nhà đầu tư. Trong khoảng trễ thời gian như vậy, hiện tượng chứng khoán “giật đùng đùng” cho thấy, yếu tố tâm lý chi phối quá mạnh, chứ không phải xuất phát từ những đổi thay mang tính cốt lõi tạo nên giá trị thị trường.
Ðể nhà đầu tư trở lại tâm thái bình tĩnh sau 2 phiên hoảng loạn, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng cùng lãnh đạo nhiều thành viên quan trọng trên TTCK như HSC, SSI, VFM… đã lên tiếng lý giải và trấn an nhà đầu tư.
Thông điệp từ các thành viên này đều cho rằng, nền kinh tế vĩ mô đang tăng trưởng vững vàng, sức khỏe của doanh nghiệp niêm yết ổn định. Chứng khoán năm 2018 chưa có dấu hiệu đáng lo ngại và đáng hoảng sợ như những gì vừa xảy ra.
Sau Tết Nguyên đán, động thái đáng chú ý trên TTCK là khả năng nhà quản lý xem xét ban hành quy định mới về margin. Tại Hội nghị phát triển TTCK 2018, Chủ tịch UBCK cho biết, các thành viên đại diện cho 83,8% thị phần đã đồng thuận với chủ trương nâng tỷ lệ ký quỹ lên 60%.
UBCK sẽ báo cáo Bộ Tài chính và dự kiến đề xuất Quy chế mới về margin nếu có áp dụng cũng sẽ bắt đầu từ sau Tết, sau khi Bộ Tài chính chấp thuận. Theo ông Trần Văn Dũng, đến ngày 6/2/2018, dòng tiền margin trên TTCK khoảng 42.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,16% quy mô vốn hóa toàn TTCK Việt Nam.
Ðộng thái đáng chú ý tiếp theo sau Tết Nguyên Ðán là sự xuất hiện của sản phẩm chứng quyền có bảo đảm. UBCK mới công bố Quy chế chào bán sản phẩm này với những điều khoản chặt chẽ.
Chẳng hạn, chỉ cổ phiếu thuộc chỉ số VN30 hoặc HNX30 có giá trị vốn hóa bình quân từ 5.000 tỷ đồng trở lên và thanh khoản cao mới được làm chứng khoán cơ sở của chứng quyền.
Quy chế cũng đưa ra quy trình quản trị rủi ro cho sản phẩm mới cùng nhiều khuyến cáo với nhà đầu tư. Một trong những nội dung đó là: “Chứng quyền là sản phẩm cấu trúc phái sinh, có tính chất phức tạp và không phù hợp với các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Chúng tôi không khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư khi chưa hiểu rõ sản phẩm và chưa sẵn sàng chấp nhận các rủi ro”.
Ðể thắng trên TTCK, không thể trông chờ vào may mắn, bởi đó là cuộc chơi của thông tin và trí tuệ. Hy vọng trong năm Mậu Tuất, chất lượng hàng hóa và nhà đầu tư nâng lên theo hướng chọn lọc hơn, để từ đó thị trường giảm bớt những cú sốc “giật đùng đùng” chỉ vì… hiệu ứng.