ChiNext được mệnh danh là sàn "Nasdaq Trung Quốc" vừa có màn biểu diễn hoành tráng khi tăng 17% kể từ đầu năm tới nay và giao dịch trung bình ở P/E bằng 70 lần.
PE thể hiện mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra cho cổ phiếu của một doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận (thu nhập) của doanh nghiệp đó.
Với ý nghĩa này, nhà đầu tư Ðại lục liệu có đang “tin tưởng mù quáng” vào nhóm các cổ phiếu thuộc sàn ChiNext, nơi quy tụ các công ty trẻ, quy mô nhỏ, nhiều biến động, nhất là khi đại dịch khiến sự sinh tồn của các doanh nghiệp đứng trước thử thách khó khăn?
Có không ít ý kiến xoay quanh câu chuyện về sự phát triển của sàn ChiNext, nhưng có một điều rõ ràng, có nhiều yếu tố không hợp lý trong logic đầu tư tại đây. Trước tiên, các số liệu đã chỉ ra mối liên kết chặt chẽ giữa giá trị thị trường của doanh nghiệp và khả năng tạo ra lợi nhuận bền vững, mà kết quả kinh doanh quý I/2020 khi đại dịch diễn ra là minh chứng thuyết phục nhất.
Cụ thể, các doanh nghiệp có giá trị thị trường lớn hơn 100 tỷ nhân dân tệ (14 tỷ USD) chứng kiến doanh thu tăng, lợi nhuận ở mức trung bình. Ngược lại, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn chứng kiến lợi nhuận lao dốc ở mức 2 con số, mà đa phần doanh nghiệp tại ChiNext có quy mô nhỏ.
Tất nhiên, không phải mọi thành viên sàn ChiNext đều có kết quả kém. Thực tế, đây là bức tranh 2 mặt sáng - tối rõ ràng.
Nếu hơn một nửa doanh nghiệp sàn này báo cáo doanh thu giảm trong quý I, thì gần 1/4 công bố lợi nhuận tăng trưởng ít nhất 30%. Nói cách khác, tại sàn ChiNext, hoặc doanh nghiệp tăng trưởng rất nóng, hoặc ngắc ngoải.
Ðiều này khiến ChiNext trở nên hấp dẫn, khi nhà đầu tư tin rằng, họ có thể lựa chọn được cổ phiếu có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp bối cảnh “băng giá” xung quanh.
Hiện thị trường chứng khoán Trung Quốc thiếu vắng các cổ phiếu tầm cỡ như nhóm FANG - động lực chính khiến thị trường chứng khoán Mỹ đang có màn biểu diễn ấn tượng bậc nhất trên toàn cầu, trong khi các cổ phiếu vốn hóa lớn thì đã quá đắt đỏ và đông đúc. Ðây là lý do khiến sức hút của ChiNext ngày càng lớn.
Một điển hình có thể kể tới là Kweichow Moutai Co, công ty sản xuất loại rượu mạnh baijiu, cũng là nhà máy sản xuất rượu có giá trị lớn bậc nhất toàn cầu.
Nhờ giá cổ phiếu tăng phi mã, Moutai hiện có giá trị thị trường đạt 1.600 tỷ nhân dân tệ, tương đương GDP của cả tỉnh Quý Châu, nơi doanh nghiệp đang hoạt động.
Tiềm năng tăng trưởng của Moutai lớn tới mức nào khi sản phẩm cơ bản nhất của Công ty hiện có giá 2.400 nhân dân tệ, tương đương 340 USD/chai?
Con số này lớn hơn mức lương trung bình tháng của người lao động tại Bắc Kinh. Không giống như nhóm FANG, Moutai rõ ràng không thể nhắm tới nhóm khách hàng tiêu dùng trung lưu vốn chiếm đại đa số trên thị trường.
Nhà đầu tư Trung Quốc cũng có góc nhìn khác về giá trị của doanh nghiệp. Với họ, các biện pháp đánh giá thông thường như giá trị sổ sách, PE dường như không nhiều ý nghĩa.
Cổ phiếu được ưa chuộng dựa vào khả năng doanh nghiệp có thể nhanh chóng lớn mạnh thành gã khổng lồ.
Ðó là lý do tại sao nhà đầu tư tích cực rót vốn vào cổ phiếu của Contemporary Amperex Technology Co (CATL), nhà cung cấp pin cho Tesla Inc với niềm tin sản phẩm của doanh nghiệp sẽ trở nên không thể thiếu được đối với xe điện của tỷ phú Elon Musk.
Ðiều tương tự từng diễn ra với cổ phiếu Sunny Optical Technology Group Co, nhà cung cấp phụ kiện cho Apple Inc trước đây, khi chỉ trong 2 năm, công ty từ nhóm vốn hóa nhỏ trở thành bluechip.
Sức tăng nóng của các cổ phiếu sàn ChiNext từng không ít lần khiến các thành viên thị trường tỏ rõ sự lo ngại.
Ðáng chú ý, mới đây, giới chức quản lý đã chấp thuận kế hoạch sửa đổi một số quy định IPO đối với sàn ChiNext, giúp tạo nên làn sóng các doanh nghiệp mới lên sàn với các yêu cầu tài chính không lấy làm khắt khe. Chưa kể, hơn 1/4 báo cáo tài chính của các doanh nghiệp non trẻ trên sàn này không được kiểm toán.