Ngày 12/4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT QBS, bà Nguyễn Thị Thanh Hương đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu từ ngày 14/5. Việc giảm giá sâu của QBS có đơn thuần là do ảnh hưởng từ sự trầm lắng của TTCK hay còn do những yếu tố khác?
Lên niêm yết từ ngày 13/11/2014 với giá khởi điểm 16.000 đồng/CP, QBS đã có một vài phiên đầu tiên tăng giá rất ngoạn mục lên 26 - 27.000 đồng/CP. Thông tin hỗ trợ giá cổ phiếu QBS tại thời điểm lên niêm yết là Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận 80 tỷ đồng cho năm 2014 và cho biết 6 tháng đầu năm đã đạt 40 tỷ đồng. Nhưng sau đó, QBS bước vào chuỗi ngày giảm giá dài và cho đến bây giờ về dưới mệnh giá. Lý do là cuối năm 2014 kết sổ QBS chỉ đạt 64 tỷ đồng lợi nhuận, bằng 80% kế hoạch.
Nhìn vào khối lượng giao dịch thời gian đầu QBS niêm yết cho thấy thanh khoản của cổ phiếu này khá lớn và sôi động. Điều này dễ hiểu khi nhiều cổ đông QBS đã đạt được siêu lợi nhuận sau khi cổ phiếu QBS niêm yết.
Cụ thể, ngay trước khi lên niêm yết, QBS đã thực hiện tăng vốn khủng từ 56 tỷ đồng lên 320 tỷ đồng, với giá phát hành là 10.000 đồng/CP cho 20 cổ đông hiện hữu. Thế nhưng, theo bản cáo bạch niêm yết, vợ chồng bà chủ tịch HĐQT QBS giữ 20%, Công ty Chứng khoán IB sở hữu 10,31%. Người thân trong gia đình của vợ chồng bà chủ tịch HĐQT cùng với một vài lãnh đạo trong Công ty và người liên quan sở hữu tổng cộng khoảng 15% cổ phần.
Tóm lại, tỷ lệ cổ phần tự do chuyển nhượng khi QBS niêm yết khá lớn, lên đến hơn 60% vốn điều lệ. Với giá vốn thấp, đa số 20 cổ đông được quyền mua cổ phần phát hành ngay trước khi QBS niêm yết sẵn sàng hiện thực hóa lợi nhuận dễ dàng (vì không thuộc diện công bố thông tin) khi tỷ suất lợi nhuận đạt trên 150% ở những phiên đầu giao dịch.
Ngay cả khi cổ phiếu QBS giảm dần đều từ đó đến nay về mức 12.000 - 13.000 đồng/CP thì các cổ đông được mua cổ phiếu phát hành thời điểm tháng 4/2014 đều có lời kha khá. Ngay cả Công ty Chứng khoán IB vào tháng 11/2014 đã bán gần hết số lượng cổ phiếu QBS mà họ nắm giữ, giảm tỷ lệ sở hữu từ hơn 10% xuống hơn 3%. Từ thời điểm này, IB không còn phải công bố thông tin khi giao dịch.
Đến tháng 4 năm nay, giá cổ phiếu QBS có nấc giảm mạnh nữa ở mặt bằng giá 12.000 đồng/CP vào thời điểm thông tin về kế hoạch năm 2015 của QBS được đưa ra thị trường. Theo đó, năm 2015, Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng nhưng vốn điều lệ sẽ tăng từ 320 tỷ đồng lên gấp đôi 640 tỷ đồng, trong đó chia cổ tức 2014 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% và phát hành cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/CP tỷ lệ 100:85, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu hưởng quyền mua 85 cổ phiếu mới.
Cổ phiếu QBS bị pha loãng đáng kể khi vốn tăng khủng, trong khi tính khả thi của lợi nhuận kế hoạch khó ước đoán với nhà đầu tư bên ngoài do hoạt động thương mại kinh doanh phân bón vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động của QBS, lớn hơn so với sản xuất.
Từ câu chuyện của QBS, các nhà đầu tư có thể rút ra nhiều kinh nghiệm đầu tư. Đó là khi đầu tư vào những DN mới niêm yết, nhà đầu tư nên không chỉ quan tâm đến chỉ số tài chính mà cần quan tâm đến các yếu tố kỹ thuật khác. Nếu xét trên kế hoạch lợi nhuận 80 tỷ đồng, EPS 2014 ở mức 2.500 đồng/CP thì mức giá 20.000 đồng/CP không phải là đắt. Nhưng nếu có số lượng lớn nhà đầu tư đạt tỷ suất lợi nhuận 100% trở lên thì việc mua vào ở mức giá này là khá mạo hiểm.
QBS cũng là một công ty cổ phần gia đình chuyển đổi thành công ty đại chúng trong thời gian khá ngắn. Trên thị trường đã từng chứng kiến nhiều công ty tương tự lên niêm yết với kế hoạch mục tiêu tăng vốn rất nhanh.
Thông thường, phải sau một số năm nữa, lợi nhuận của các công ty này mới theo kịp tốc độ tăng vốn. Đây là điều nhà đầu tư cần cân nhắc khi đầu tư vào QBS, mặc dù cỏ phiếu này đã giảm giá khá sâu, tỷ lệ cổ tức 2015 dự kiến là 15% nếu thực hiện được sẽ đem lại lợi tức khá tốt cho nhà đầu tư và cổ đông nội bộ đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu.