Giải mã hiện tượng hàng loạt xe trong nước giảm giá dịp cận Tết

Gần 1 tháng nay, trong khi thị trường xe nhập đang ở thế lưỡng nan thì khá nhiều dòng xe trong nước đã giảm giá so với trước. Đa số doanh nghiệp âm thầm giảm giá nhằm gia tăng doanh thu và cũng là biện pháp để "chống sốc" trước khi xe nhập miễn thuế đổ bộ. Vậy phải chăng giá xe ô tô đang xuống giá đồng loạt?
Nhiều đại lý, doanh nghiệp cho biết đợt giảm giá âm thầm của các hãng xe dịp cận Tết Mậu Tuất có thể đón trước đợt giảm giá xe nhập vào giữa năm 2018 Nhiều đại lý, doanh nghiệp cho biết đợt giảm giá âm thầm của các hãng xe dịp cận Tết Mậu Tuất có thể đón trước đợt giảm giá xe nhập vào giữa năm 2018

Xe giảm giá hàng loạt, giá xe đang xuống?

Thời điểm cuối năm 2017, các mẫu xe của Toyota có thay đổi giá đáng kể, từ Vios, Innova, đến dòng xe tầm trung Altis, mức giảm từ 20 đến gần 60 triệu đồng/chiếc.

Đơn cử, bản Vios TRD hạ giá bán chỉ còn hơn 580 triệu đồng, giảm gần 60 triệu đồng so với hồi tháng 9/2017. Bản Vios E, MT hay Limo vốn được giới mua xe kinh doanh, chạy taxi, hay Uber, Grab trước đây ưa chuộng nay cũng giảm từ 40 - 50 triệu đồng.

Mức giá cuối cùng các mẫu xe đã về từ 500 đến hơn 600 triệu đồng.

Các mẫu xe Innova đang có doanh số tốt cũng được Toyota hạ giá khoảng từ 40 - 50 triệu đồng/xe. Hiện dòng xe này thấp nhất đối với bản số tay là hơn 760 triệu đồng, cao nhất là hơn 830 triệu đồng/chiếc.

Giảm giá nhẹ nhàng hơn là dòng Altis, khi dòng xe này có sự cạnh tranh mạnh mẽ của Kia Cerato, Mazda 3 hay Hyundai Sonata. Các phiên bản của Altis hiện đã giảm từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng.

Đáng chú ý nhất và được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây đó là giá chiếc Outlander lắp ráp trong nước của Mitsubishi. Là lính mới trên thị trường xe đa dụng ở Việt Nam nhưng ngay đầu tháng 1/2018, Mitsubishi làm rúng động thị trường.

Từ tuyên bố lắp ráp dòng xe này tại Việt Nam, hãng này niêm yết mức giá mới với mẫu xe mới khi giảm 200 triệu đồng (hơn 800 triệu đồng) so với phiên bản nhập khẩu từ Nhật Bản.

Đây là tín hiệu vui đối với thị trường xe hơi, đánh dấu cuộc cạnh tranh mới cho các đối thủ sừng sỏ khác là: Mazda CX5, Hyundai Tucson hay Honda CRV...

Không nằm ngoài cuộc chơi, Izuzu cũng lấy mẫu Isuzu mu-X bản 2016 để giảm giá bán cho khách hàng nhằm hạn chế sự lấn át của các dòng xe khác.

Các mẫu của Izuzu được cho là giảm giá từ 100 đến gần 115 triệu đồng/chiếc. Isuzu mu-X bản số tay có giá chỉ 785 triệu đồng, phiên bản số tự động cao nhất cũng chỉ khoảng 850 triệu đồng.

Việc giảm giá trên diện rộng, dù không sâu nhưng không thể không nhắc đến Kia, các mẫu xe này từ phiên bản Kia Morning, Cerato, Rondo hay Optima đều giảm giá trong thời gian vừa qua.

Mẫu Kia Morning có lẽ giảm giá ít nhất khi chỉ vài triệu đồng/xe, xe giảm giá trung bình là mẫu Kia Cerato với mức giảm chỉ 10 - 15 triệu đồng/chiếc. Hai mẫu giảm giá khá mạnh là Rondo và Optima hiện giảm giá mạnh nhất từ trên 20 triệu đồng đến gần 50 triệu đồng/chiếc.

Hiện phiên bản rẻ nhất của Rondo là khoảng 610 triệu đồng, đắt nhất là khoảng 750 triệu đồng, mức giá cạnh tranh so với nhiều mẫu Crossover khác trên thị trường.

Trong khi đó, mẫu xe chiến lược là Optima đưa ra đời để cạnh tranh trực tiếp với Toyota Camry cũng chủ động giảm giá bán lẻ từ 20 đến 30 triệu đồng/chiếc.

Mức giá của loại xe này hiện rất cạnh tranh khi đang ở mức thấp nhất là gần 800 triệu, cao nhất là khoảng 950 triệu đồng/chiếc.

"Chống sốc" trước xe miễn thuế

Theo nhận định của các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh xe hơi, việc giảm giá trước tết của các hãng xe trong nước không đơn giản chỉ là chiêu kích cầu mà là biện pháp để làm quen thị trường trước "cú sốc" của xe miễn thuế nhập về từ Thái Lan, Indonesia.

"Năm 2017, khi thuế xe nhập từ ASEAN giảm từ 40% xuống 30% đã có nhiều đợt giảm giá xe liên tiếp xảy ra, xe nhập đi đầu sau đó nhường lại cho xe lắp ráp trong nước.

Năm 2018, bắt đầu giảm thuế nhập xe từ ASEAN giảm từ 30% xuống 0%, chắc chắn giá xe sẽ giảm vào đợt tháng 3 hoặc tháng 4 tới khi lô xe nhập đầu tiên của năm về Việt Nam.

Để chống sốc thị trường, giảm giá, tăng doanh số, phủ thị trường, các hãng xe phải tính toán và yêu cầu cấp thiết đối với các DN xe trong nước của họ là giảm giá, đón lõng khách hàng", ông Phạm Huy Bình, chủ một đại lý kinh doanh xe hơi tại Mỹ Đình cho hay.

Thực tế, hiện chưa hề có xe miễn thuế ASEAN nào được bán tại Việt Nam và việc giá xe rẻ chỉ là lý thuyết chứ thị trường chưa có mẫu xe nào thực sự rẻ bán cho người tiêu dùng. Đáng nói, thời điểm cận Tết, nhiều dòng xe nhập còn bị tăng giá bán nữa.

Giá thị trường xe nhập chưa giảm hiện cũng do một phần tác động của Nghị định 116 về điều kiện sản xuất, kinh doanh xe hơi của Chính phủ ban hành cuối năm 2017.

Theo nhiều DN các quy định về yêu cầu Giấy chứng nhận kiểu loại, kiểm tra theo lô hàng nhập đã khiến chi phí nhập xe tăng, kéo dài thời gian nhập xe khiến thị trường ngay từ đầu năm khó giảm sâu.

Ông Bình nói: "Với yêu cầu Giấy chứng nhận kiểu loại, kiểm tra từng lô xe nhập, Nghị định 116 có thể khiến giá xe đắt hơn, thời gian xe nhập về chậm khoảng 2 - 3 tháng, điều này chỉ làm chậm quá trình đổ bộ của xe nhập chứ khó có thể làm chậm quá trình giảm giá được.

Nếu thị trường không có biến động chính sách, rất có thể từ tháng 4 đến tháng 6, giá xe sẽ lại hạ".

Theo đánh giá của một vài DN kinh doanh xe hơi, những dòng xe đang được các hãng âm thầm giảm giá từ tháng 11/2017 đến nay đều là xe bắt khách rất tốt.

Đây là dòng xe được người tiêu dùng săn đón nhiều, có doanh số cao chứ không chỉ nằm ở các dòng xe tầm trung, phân khúc giá cao C hoặc, hạ giá cũng khó bán như trước kia.

"Các hãng đang ráo riết lo về doanh số bán xe, trước việc xe nhập có thể vượt qua các quy định, rào cản để đổ bộ thị trường Việt Nam vào giữa năm", ông Bình nhấn mạnh.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục