Giải mã đà tăng trưởng kép 2 con số ở FPT

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm tiếp tục cho thấy khả năng vượt trội của Tập đoàn FPT trong hóa giải khó khăn, thách thức từ môi trường kinh doanh.
Giải mã đà tăng trưởng kép 2 con số ở FPT

Bản lĩnh vượt bão

Những chia sẻ của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT với các doanh nhân gần đây gây chú ý. Ông nói: “Chúng ta đã có nhiều bất ổn, ví dụ như đại dịch Covid-19. Nhưng trong thời gian tới, tôi lường là còn có những thứ xảy ra ở mức cao hơn bất ổn. Tôi gọi là CHAOS - thuật ngữ hỗn loạn trong toán. Chưa bao giờ thế giới đối diện với việc hai nền kinh tế lớn nhất nhì xảy ra khủng hoảng. Bên cạnh đó là cạnh tranh vị trí số 1 thế giới của Mỹ và Trung Quốc. Tiếp đến là chiến tranh Nga và Ukraine”.

Nhiều khó khăn dồn vào một lúc và theo ông Bình, “chúng ta phải sẵn sàng biến đổi trước thách thức, nhưng cái bất biến chính là tinh thần kiên cường, trụ vững, tiến lên”.

Thực tế cho thấy, FPT đã “thực chiến” tốt suốt 2 năm Covid-19 hoành hành để có được sức bật mạnh mẽ. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng trưởng lần lượt 19,5% và 20,4% so với năm 2020. 10 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn ghi nhận doanh thu 35.105 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.456 tỷ đồng, lần lượt tăng 24,4% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 83% mục tiêu doanh thu và 85% lợi nhuận năm.

Đà tăng trưởng kép hai con số của FPT có sự đóng góp lớn từ mảng công nghệ. Cụ thể, khối công nghệ (bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 57% doanh thu và 46% lợi nhuận trước thuế của toàn Tập đoàn, tương đương 20.047 tỷ đồng và 2.970 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23,7% và 25,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài đạt 15.249 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021. Các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt tại thị trường Mỹ (tăng 46%) và châu Á - Thái Bình Dương (tăng 46,6%). Thị trường Nhật Bản, mặc dù chịu tác động của việc đồng Yên mất giá nhưng vẫn tăng trưởng 13% so với cùng kỳ. Doanh thu chuyển đổi số đạt 5.925 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ, khẳng định năng lực cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hiệu quả, toàn diện của Tập đoàn.

Theo báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, mặc dù USD tăng giá, song FPT vẫn ghi nhận lãi ròng chênh lệch tỷ giá hối đoái 41 tỷ đồng trong quý III/2022. Khoản nợ 381 triệu USD (chiếm khoảng 40% tổng dư nợ của Tập đoàn) đã được phòng ngừa rủi ro hoàn toàn bằng các hợp đồng tương lai. FPT cũng ghi nhận doanh thu bằng USD với khoảng 158 triệu USD (tương đương 41% dư nợ bằng USD).

Lượng tiền mặt dồi dào và tỷ lệ thanh toán lãi vay cao đã bảo vệ FPT khỏi rủi ro từ việc lãi suất cho vay tăng lên. Tính đến tháng 9/2022, số dư tiền mặt của FPT là 5.800 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 3.700 tỷ đồng vào cuối quý I/2022.

Trong suốt hơn 3 thập kỷ qua, FPT luôn chứng tỏ bản lĩnh của doanh nghiệp đầu ngành với khả năng quản trị rủi ro, nắm bắt cơ hội bứt phá, mang lại hiệu quả kinh doanh khả quan và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế. Trong khuôn khổ Diễn đàn “Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp vượt sóng”, FPT đã được vinh danh Doanh nghiệp niêm yết có năng lực quản trị tài chính tốt năm 2022.

Triển vọng tích cực

Mới đây, Công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner điều chỉnh giảm khoảng 2% đối với dự báo mức chi tiêu cho công nghệ thông tin toàn cầu, tuy nhiên vẫn dự báo mức tăng trưởng khả quan cho năm 2023. Với lợi thế sẵn có, FPT có thể giành thêm được nhiều hợp đồng.

Câu chuyện “tìm cơ trong nguy” cũng được Chủ tịch FPT chia sẻ. Giai đoạn đại dịch Covid-19 mới bùng phát, lãnh đạo Tập đoàn xác định, ngoài mục tiêu bảo vệ tính mạng cho mỗi cán bộ của mình, công việc của mỗi cán bộ phải mạnh hơn qua đại dịch, “không để bất cứ trường hợp nào vỡ trận”. Bởi khách hàng quốc tế không chỉ đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, mà còn đòi hỏi đúng tiến độ hợp đồng. Với quyết tâm đó, hàng ngàn hợp đồng đã được FPT bàn giao đúng hạn, tăng trưởng trong giai đoạn đại dịch thậm chí còn cao hơn trước đó khoảng 28 - 30%.

Nội lực và khả năng thích ứng của FPT đã khiến các nhà đầu tư và cổ đông có xu hướng giữ cổ phiếu dài hạn, nhờ đó giá cổ phiếu FPT không bị trôi vào vòng xoáy giảm giá đang tàn phá trên thị trường cổ phiếu Việt Nam.

SSI nhận định, cổ phiếu FPT hiện đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 và 2023 hấp dẫn, lần lượt là 15 lần và 12,7 lần, dựa trên mức tăng trưởng EPS lần lượt là 22% và 18% theo kịch bản cơ sở. Trong khi đó, các công ty cùng ngành có mức tăng trưởng EPS trung bình lần lượt là 6% và 15% trong năm 2022 và 2023, đang giao dịch ở mức P/E trung bình năm 2022 và 2023 lần là 17 lần và 15 lần.

SSI dự phóng tiềm năng tăng giá tới 31% đối với cổ phiếu FPT trong 1 năm tới, bất chấp rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu.

Việt Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục