Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2016 đăng tải bài viết của ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HD SAISON như một góc nhìn của người trong cuộc về thị trường TCTD đầy tiềm năng nhưng cũng đang phải chịu không ít những định kiến.
Người viết có cơ hội được trải nghiệm công tác quản lý trong ngành ngân hàng với vị trí Phó tổng giám đốc ở hai tổ chức ngân hàng - tài chính lớn của Việt Nam, trước đây là Ngân hàng HDBank và ở thời điểm hiện tại là Công ty Tài chính TNHH HD SAISON (liên doanh giữa HDBank và Tập đoàn Credit Saison, Nhật Bản). Tâm huyết lớn nhất của tôi là làm sao góp phần phát triển ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam ngang tầm khu vực, góp phần thúc đẩy sản xuất và tạo cho mỗi người dân Việt có cuộc sống tiện nghi, đầy đủ nhất. Nhưng khi đặt chân vào lĩnh vực TCTD, tôi vẫn thường bị các đồng nghiệp cũ trong ngành ngân hàng, bạn học... nói đùa là người đại diện cho khái niệm “cho vay cắt cổ”.
Mặc dù đó chỉ là những câu chuyện trà dư tửu hậu mỗi lần bạn bè tụ họp, nhưng đâu đó cho thấy, đang tồn tại một cái nhìn không tích cực lắm về ngành mà tôi đang làm việc - ngành TCTD, trong đó có tài chính lẻ, mà theo ý kiến thuần túy của cá nhân tôi, là cho vay các món nhỏ lẻ hơn để phân biệt với tài chính cá nhân là cho vay mua nhà, xe, cho vay tiêu dùng chung. Có lẽ băn khoăn của tôi về những đánh giá hơi thiếu công bằng, những nhìn nhận chưa toàn diện về lĩnh vực TCTD còn khá mới mẻ tại Việt Nam, làm tôi trăn trở. Vì vậy, tôi rất muốn góp phần định vị TCTD về đúng vị thế vốn có của nó trong vòng quay sôi động của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Đàm Thế Thái
Vay tiêu dùng, xu hướng tất yếu trên thế giới
Hình thức vay tiêu dùng trên thế giới đã phát triển từ lâu, có đóng góp tích cực cho nền kinh tế, kích thích mua sắm, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Theo nghiên cứu, quan sát của cá nhân tôi, cho vay tiêu dùng tại các nước phát triển không còn quá xa lạ với người dân, theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, hoạt động cho người tiêu dùng vay trong tháng 10/2015 đã tăng thêm 16 tỷ USD so với cùng kỳ 2014, lên 3.500 tỷ USD (chiếm khoảng 20% GDP). Trong khi đó, con số này tại thị trường Anh là gần 16% GDP, tại Đức là 10% GDP, Pháp 9,8% GDP và tại thị trường châu Âu, tổng dư nợ tín dụng là 1.061 tỷ Euro, chiếm 14% tổng doanh số tiêu dùng trong năm của toàn khu vực.
Các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á cũng không kém cạnh. Tại Malaysia, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm đến 24% GDP, Thái Lan chiếm khoảng 18% GDP. Đó là những con số rất ấn tượng khi so sánh với thị trường vay tiêu dùng của Việt Nam.
Thị trường vay tiêu dùng cho hơn 90 triệu dân Việt đang ở đâu?
Mặc dù cho vay tiêu dùng có mặt tại Việt Nam đã hơn 10 năm, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Theo báo cáo gần đây nhất của Stoxplus (công ty nghiên cứu thị trường về tài chính - ngân hàng), thị trường TCTD Việt Nam đạt khoảng 188.000 tỷ đồng năm 2013, tăng trưởng trên 12% và chiếm 5,4% GDP; năm 2014 tăng thêm 12% đạt 225.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% GDP. Tuy nhiên, đây chỉ mới là tổng cho vay cá nhân, còn cho vay tài chính lẻ, theo ước tính khoảng trên 40.000 tỷ đồng.
Con số này vẫn còn khiêm tốn so với 70% dân số với thu nhập trung bình từ 3 - 7,5 triệu đồng/tháng, có nhu cầu vay tiêu dùng.
Hiện nay, các công ty tài chính mới đáp ứng được rất nhỏ nhu cầu của người dân, HD SAISON đã phục vụ hơn 1,5 triệu khách hàng, như vậy con số trung bình tiếp cận thông qua các công ty tài chính khoảng 5 triệu khách hàng. Tỷ lệ người dân tiếp cận các dịch vụ TCTD chỉ dừng ở khoảng 5,6%, quyền được thụ hưởng dịch vụ TCTD đa số không được đáp ứng, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp, khu vực nông thôn.
hoành hành vì mảng cho vay tiêu dùng chính thống đang bị bỏ ngỏ
Vai trò thật sự của tín dụng tiêu dùng thời điểm hiện tại
Thời gian gần đây, dư luận xã hội khá sốc khi đọc một báo cáo của ngành công an liên quan đến nạn tín dụng đen đang tràn lan trong xã hội.
Báo cáo cho biết, từ năm 2010 đến khoảng giữa năm 2015 có hơn 5.800 vụ án, hơn 10.880 bị can liên quan đến hoạt động tín dụng đen, đặc biệt những hệ lụy kéo theo như đòi nợ, gây rối trật tự công cộng, giết người… trở nên rất nghiêm trọng. Mới đây nhất, ngày 10/3/2016, UBND tỉnh Cà Mau đã phải tổ chức họp báo về việc nhiều người có nguy cơ mất nhà cửa vì liên quan đến tín dụng đen.
Vì sao nạn tín dụng đen lại có thể tràn lan và hoành hành khắp mọi nơi?
Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thì rất lớn và thường xuyên, nhưng nguồn cung thì gần như không có, do kênh ngân hàng không có loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu này của người dân: vay tín chấp với số tiền nhỏ cho nhóm đối tượng khách hàng thu nhập trung bình thấp.
Ngân hàng thực ra hoàn toàn có ý chí để lấp đầy nhu cầu này của người tiêu dùng, nhưng bị giới hạn bởi sự lo ngại trong công tác quản lý rủi ro tín dụng phát sinh từ nhóm khách đặc thù; tiềm năng này cũng đi kèm rủi ro tín dụng cao hơn so với tệp truyền thống của ngân hàng - vốn có tài sản đảm bảo và/hoặc thu nhập trung bình cao/chứng minh rõ ràng qua tài khoản.
Mặt khác, cơ hội được tiếp cận vay vốn thông qua các kênh tài chính chính thống lại đang thiếu trầm trọng ở khu vực nông thôn, các khu dân cư có dân trí thấp. Tại HD SAISON, trong nỗ lực của mình, chúng tôi đang cố gắng phát triển và đẩy mạnh dịch vụ tài chính lẻ đến tất cả các đối tượng, với mong muốn cung cấp cho người dân những giải pháp tài chính phù hợp và kịp thời. Tín dụng đen sẽ bị đẩy lùi khi cho vay tiêu dùng được đặt đúng vai trò và vị trí vốn có của nó.
Mặt khác, cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính của nhóm có thu nhập trung bình thấp hoặc khu vực nông thôn còn hạn chế khi mà ngân hàng không mấy mặn mà với các nhóm đối tượng khách hàng này. Theo tôi được biết, với dân số hơn 90 triệu người, trong đó 75% đang sống ở nông thôn, tương đương 68 triệu dân và 63% hộ gia đình Việt có thu nhập trong khoảng 3 - 7,5 triệu đồng/tháng chưa được tiếp cận toàn diện các nhu cầu TCTD. Nếu các dịch vụ tài chính chính thức không được đáp ứng đầy đủ thì nguy cơ các loại hình tài chính phi truyền thống (tín dụng đen…) sẽ có điều kiện vươn vòi bành trướng, kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm cho xã hội.
Như đã đề cập ở trên, TCTD tại Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ bởi các ngân hàng, các đối tượng có thu nhập thấp, không có tài sản đảm bảo, các khoản vay nhỏ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày cũng bị các ngân hàng này thẳng tay từ chối.
Phân khúc này sẽ do các công ty tài chính đảm trách, ngân hàng không nên hoặc không thể làm được là vì quy trình và công nghệ rất khác biệt. Một phần do tư duy, nền tảng công nghệ, phương pháp quản trị, phương thức bán hàng, tổ chức vận hành và kỹ thuật quản lý rủi ro rất khác biệt. Các công ty tài chính như là một nhà máy hoạt động với quy trình khép kín, và bạn thực sự phải có công nghệ ưu việt mới duy trì hoạt động hiệu quả.
Gần 10 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, HD SAISON đã tích lũy được khối lượng kinh nghiệm phong phú từ thị trường trong nước, am hiểu được tập quán và hành vi chi tiêu, cũng như thói quen trả nợ của người tiêu dùng, chắc chắn chúng tôi sẽ góp phần thay đổi diện mạo thị trường trong thời gian tới.
Với những nhận định như trên, chúng ta cần khẳng định vai trò tài chính lẻ đối với nền kinh tế hiện nay, góp phần tăng trưởng cho nền kinh tế, thúc đẩy chi tiêu và sản xuất. Ngoài ra, tài chính lẻ sẽ giúp người dân có cuộc sống tiện nghi và đầy đủ hơn, xa hơn là hỗ trợ hướng tới công bằng xã hội, phù hợp với những giá trị tốt đẹp của chế độ XHCN mà Việt Nam đang hướng đến.
Cuối cùng, tôi mong muốn rằng, chúng ta sẽ có những cái nhìn tích cực nhất, những nhận định đúng đắn nhất về các công ty tài chính, với những nỗ lực mang đến cho từng người dân và cho cả nền kinh tế. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự quan tâm và giúp đỡ về chính sách từ các cơ quan quản lý nhà nước để hoạt động của tài chính lẻ được thuận lợi và phát triển thêm sâu rộng, từ đó giúp ích tích cực và có ý nghĩa cho nền kinh tế - xã hội.
Ngành TCTD nói chung và tài chính lẻ nói riêng hy vọng nhận được sự ủng hộ và đồng hành của nhiều nhà đầu tư, nhằm chung tay hiện thực hóa những ước mơ bình dị của mỗi người dân Việt là được thụ hưởng một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, từ đó dẫn đến một đời sống tinh thần tích cực, tốt đẹp, qua việc giúp xã hội nhìn nhận một cách công bằng những giá trị mà tài chính lẻ mang lại hoặc đầu tư vào các công ty tài chính (vì theo luật, công ty tài chính không được phép huy động vốn từ dân cư mà phải vay từ các tổ chức tài chính, ngân hàng hoặc bằng hình thức phát hành giấy tờ có giá khác).
Ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HD SAISON