Cổ phiếu bị bán tháo vì không kịp bổ sung tài sản ký quỹ do tắc nguồn
Giải chấp tài khoản của khách VIP (giá trị tài khoản lớn) có lẽ là một trong những đặc điểm nổi bật của thị trường chứng khoán năm 2022, bởi đây là hiện tượng mà phóng viên ghi nhận ý kiến nhiều lãnh đạo công ty chứng khoán cho rằng, chưa từng gặp trong suốt hơn 20 năm thành lập thị trường.
Lý do rất đơn giản, các khách hàng VIP được ưu ái về lãi suất và/hoặc hạn mức cấp giao dịch ký quỹ (margin) có giá trị lớn, có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Bởi vậy, để quản trị rủi ro, các công ty chứng khoán đều đưa ra mức giá cho vay rất thấp so với thị giá cổ phiếu trên sàn.
Chẳng hạn, với cổ phiếu P, thị giá thường xuyên duy trì ở vùng 6 - 7x, nhưng mức giá để tính cho vay chỉ khoảng 11.000 - 17.000 đồng/cổ phiếu (tùy vào khẩu vị rủi ro của mỗi công ty chứng khoán). Nếu thị giá cổ phiếu giảm xuống dưới vùng này mà công ty chứng khoán chưa kịp xử lý thì sẽ đối diện với nguy cơ bị lỗ, mất vốn. Hay với cổ phiếu D, từng có thị giá 3 - 4x, nhưng mức giá để tính cho vay chỉ 5.000 - 7.000 đồng/cổ phiếu.
Bán giải chấp cổ phiếu là việc công ty chứng khoán bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư nhằm hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định. Hành động này thường xảy ra khi nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính bằng cách vay ký quỹ và giá cổ phiếu bị giảm xuống dưới ngưỡng cho phép của công ty chứng khoán, nhưng nhà đầu tư lại chưa nộp thêm tài sản để bù vào.
Trong điều kiện bình thường, tình trạng các tài khoản bị bán giải chấp là hiếm gặp, bởi cổ phiếu ít khi giảm sốc, hoặc nếu giảm thì nhà đầu tư có thời gian bổ sung tài sản (cổ phiếu, tiền mặt…) để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định.
Nhưng vào một bối cảnh “tứ bề gian nguy”, đó là câu chuyện thị trường vốn đã giảm sâu, công ty chứng khoán tăng cường quản trị rủi ro, thanh khoản thị trường bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều doanh nghiệp, cá nhân bán mạnh chứng khoán để rút tiền về xử lý “đáo hạn trái phiếu”, bất động sản trầm lắng, kênh tín dụng ngân hàng không dễ tiếp cận, lãi suất tăng, dòng tiền có xu hướng chuyển từ các kênh đầu tư sang gửi tiết kiệm, hoặc nằm im trong tài khoản.
Theo đó, “tắc nguồn” là tình trạng chung ở không ít doanh nghiệp, cá nhân và việc xoay tiền để bổ sung vào tài khoản vay margin trong 1 - 2 ngày gặp rất nhiều khó khăn.
Giá cổ phiếu giảm sâu kéo theo tài khoản của các chứng sĩ bị yêu cầu bổ sung tài sản ký quỹ và bị bán giải chấp ngày càng nhiều, trở thành áp lực khiến giá cổ phiếu tiếp tục giảm. Thực tế cho thấy, các lệnh bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu trên sàn liên tục xuất hiện. Các công ty chứng khoán có động thái cắt giảm đột ngột tỷ lệ cho vay margin những mã cổ phiếu “nóng”.
Các team môi giới chăm sóc các tài khoản này cũng rơi vào tình trạng căng như dây đàn, bởi áp lực làm âm vốn công ty, phải đưa ra giải pháp cho khách hàng tốt nhất có thể, nhưng nhiều trường hợp lực bất tòng tâm, không thể thương lượng. Nếu như năm 2009, từng có nhiều môi giới bỏ nghề do không thể chịu được cảnh tài khoản khách “bốc hơi” nhanh và mạnh, thậm chí “cháy” tài khoản, thì tình trạng bán giải chấp trong tháng 11/2022 “ám ảnh” không ít môi giới kỳ cựu.
“Khi vào thế buộc phải bán thì không thể thương lượng vì vi phạm quan điểm quản trị rủi ro của công ty. Khách hàng rất thiện chí, nhưng cái họ cần là thêm chút thời gian. Giá cổ phiếu chắc chắn đang ở dưới giá trị thực, tức có cơ hội hồi phục khi thị trường ổn định trở lại. Nhưng vi phạm tỷ lệ ký quỹ là phải bán, đặt trong bối cảnh thị trường nhìn đâu cũng thấy rủi ro và không thể tính toán được mức độ rủi ro tới đâu, kéo dài bao lâu”, giám đốc môi giới một công ty chứng khoán thuộc Top 10 thị phần môi giới chia sẻ.
“Lạnh lùng” bán giải chấp, khách hàng rời bỏ
Sau khi “lạnh lùng” bán giải chấp, nhiều công ty chứng khoán mất đi không ít khách hàng VIP.
Có những trường hợp cổ phiếu thoát nguy cơ bị giải chấp vì khách hàng xoay xở kịp, nhanh chóng bổ sung tài sản bảo đảm hoặc giá cổ phiếu chấm dứt đà lao dốc và hồi phục nhờ có lực mua bắt đáy.
Nhưng không ít trường hợp, các team môi giới mất luôn “khách ruột” vì họ chuyển tài khoản sang công ty chứng khoán khác, ngay cả khi đã xử lý ổn thỏa việc giải chấp. Lý do là khách hàng không thấy sự đồng cảm từ phía công ty chứng khoán trong lúc khó khăn nhất của thị trường.
Không khó để thấy thông báo từ các công ty chứng khoán về việc bán giải chấp từ hàng triệu đơn vị cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp trong giai đoạn thị trường đỏ lửa. Có thể kể đến các mã như LDG, HBC, HDC, TNG, BCG…, khi các cổ phiếu này giảm giá rất sâu, mất 50 - 80% giá trị.
Trong tháng 11/2022, ông Lê Thống Nhất, Chủ tịch Hội đồng quản trị NRC và vợ bị bán giải chấp tổng cộng 9,1 triệu cổ phiếu NRC, ước tính sở hữu của hai vợ chồng giảm còn 7,3 triệu đơn vị. Trong đó, tỷ lệ sở hữu của ông Nhất giảm từ 10,08% xuống dưới 5%, không còn là cổ đông lớn.
Bị bán giải chấp với số lượng lớn hơn là trường hợp ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị HPX, lên tới gần 56 triệu cổ phiếu. Lãnh đạo NVL, PDR, DIG, EIB… cũng bị bán giải chấp hàng chục triệu cổ phiếu.
Cắt margin và không vội cấp lại nguồn là giải pháp được nhiều công ty chứng khoán lựa chọn trong bối cảnh đó.
Dòng tiền đã tắc lại càng tắc hơn. Bởi trong điều kiện thị trường giảm sâu, lực mua yếu ớt, trong khi lệnh bán hàng triệu đến hàng chục triệu cổ phiếu liên tục đưa vào khiến giá cổ phiếu ngày càng giảm thê thảm.
“Tranh nhau bán, giẫm đạp lên nhau bán, bất chấp không có ai mua, chỉ làm tình trạng ngày càng tồi tệ hơn”, vị giám đốc môi giới trên nói và cho hay, liên tục gặp gỡ khách hàng VIP để thương thảo và yêu cầu bổ sung gấp tài sản ký quỹ là công việc “khó nhằn” trong giai đoạn đó.
“Dẫu biết công ty thực hiện quản trị rủi ro không sai, nhưng vẫn rất đau xót cho tài khoản của khách hàng, một tình cảnh quá đặc biệt”, đó là chia sẻ của nhiều môi giới quản lý tài khoản lớn.
“Tôi phải xây dựng lại tệp khách hàng vì nhiều khách hàng lớn đã không còn, di chuyển hết sang công ty chứng khoán khác do chính sách margin của công ty khá khắt khe. Nếu xét về môi giới cá nhân, rõ ràng, công ty đang không có lợi thế”, “đội trưởng” một team môi giới có doanh số hàng đầu cho biết.
Môi giới và cho vay ký quỹ vốn là 2 mảng đóng góp tỷ trọng doanh thu gần như lớn nhất ở khối các công ty chứng khoán, trong đó các tài khoản VIP luôn được ưu tiên, chăm sóc với nhiều chính sách ưu đãi. Nhưng hiện nay, sau khi “lạnh lùng” bán giải chấp, nhiều công ty chứng khoán mất đi không ít khách hàng này. Theo đó, câu chuyện thị phần môi giới năm 2023 dự báo sẽ có nhiều thay đổi.
Đáng lưu ý, sau các lệnh bán giải chấp, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn của doanh nghiệp đã giảm tỷ lệ sở hữu và có động thái đăng ký mua lại cổ phiếu. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông thay đổi mạnh sau đợt giải chấp là vấn đề đang được các nhà đầu tư quan tâm bởi họ lo ngại về khả năng thâu tóm doanh nghiệp, điều này có thể sẽ lộ diện rõ hơn trong mùa đại hội cổ đông năm 2023.