Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh khẳng định, quan điểm của Bộ là không thu phí sử dụng đường bộ qua xăng dầu và đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu chỉ sử dụng nguồn vốn mà Quỹ thu được vào việc sửa chữa đường bộ.
Chọn phương án hiệu quả
Trước đó, trong tờ trình dự thảo đề án thu phí cho Quỹ bảo trì đường bộ, Tổng cục đường bộ (Bộ GTVT) đưa ra 3 phương án thu phí: thu phí sử dụng đường bộ trực tiếp từ đầu ô-tô theo nhóm xe và ô-tô sử dụng dầu diesel đóng phí cao hơn xe sử dụng xăng 1,5 lần; thu phí sử dụng đường bộ qua giá xăng dầu với mức thu 1.000 đồng/lít. Với phương án này, ngân sách nhà nước sẽ phải cấp bổ sung trên 3.000 tỉ đồng/năm. Phương án hai là thu qua phí xăng dầu, bằng cách ngoài khoản thu phí theo đầu phương tiện như phương án 1, ngân sách nhà nước sẽ cấp bổ sung cho Quỹ bảo trì đường bộ khoảng 6.000 tỉ đồng/năm từ nguồn từ thuế nhập khẩu xăng dầu, với mức 1.000 đồng/lít. Ngoài ra, ngân sách cũng phải cấp thêm hơn 3.300 tỉ đồng. Thứ ba là thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ; từ ngân sách nhà nước cấp bổ sung trực tiếp cho đủ nhu cầu vốn bảo trì đường bộ. Số phí dự kiến thu được từ các phương tiện cơ giới đường bộ khoảng 5.987 tỷ đồng, hàng năm ngân sách nhà nước sẽ cấp bổ sung cho Quỹ số kinh phí là 6.213 tỷ đồng. Ngoài ra, khi áp dụng biện pháp thu phí bảo trì đường bộ thì sẽ bỏ khoảng 15 trạm thu phí nộp ngân sách, chỉ còn lại những trạm thu phí theo hình thức BOT.
Đại diện Tổng cục đường bộ - đơn vị soạn thảo, cho rằng phương án 2 có ưu điểm là cơ bản thay thế phương thức thu phí sử dụng đường bộ qua trạm bằng phương thức thu mới hiệu quả hơn, công bằng hơn; có thể huy động sự đóng góp của xã hội thông qua thuế nhập khẩu xăng dầu một cách hợp lý để cùng với ngân sách nhà nước cấp đủ vốn cho bảo trì đường bộ. Công tác tổ chức thu đơn giản, không bị thất thu, chi phí tổ chức thu thấp. Đây cũng là phương án đang được một số nước trên thế giới áp dụng.
Không nên thu phí qua xăng dầu
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh, không nên thu phí sử dụng đường bộ qua xăng dầu để tránh tình trạng “phí chồng phí” và đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu chỉ sử dụng nguồn vốn mà Quỹ thu được vào sửa chữa đường bộ. Việc thu phí đối với mô-tô, xe máy nên giao cho các địa phương quyết định mức thu, lộ trình thu, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng nơi.
Với phương án 1 - phương án được các Bộ thống nhất lựa chọn, Quỹ bảo trì đường bộ sẽ được hình thành từ nguồn thu chủ yếu qua đầu phương tiện giao thông, gồm cả ô-tô và xe máy, cộng với ngân sách Nhà nước cấp bù cho đủ nhu cầu. Ngoài ra, các bộ vẫn dự kiến trình thêm phương án 2, theo đó Quỹ bảo trì đường bộ được hình thành qua 3 nguồn thu chủ yếu là qua đầu phương tiện (chỉ thu ô-tô), thu qua phí xăng và Ngân sách Nhà nước cấp bù thêm cho đủ nhu cầu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Việt
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cũng cho rằng trước hết phải làm rõ được phí bảo trì đường bộ sử dụng như thế nào. Theo ông Bình, chất lượng đường quá kém mà người dân vẫn phải nộp phí hàng năm là vô lý, không thuyết phục. Hơn nữa, nếu thu phí theo đầu phương tiện cũng vấp phải tình trạng không công bằng khi xe để một chỗ vẫn phải nộp phí, trong khi những xe chạy hết công suất cũng có mức phí ngang nhau vì nộp phí theo tháng.
Được biết, chậm nhất là đến ngày 30.10, các phương án thu phí lập Quỹ bảo trì đường bộ sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ.