Giá vàng trong nước không còn bình thường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đi xuống cùng với giá vàng quốc tế, song tốc độ thấp hơn nhiều, nên giá vàng tại Việt Nam gia tăng độ vênh lên 8,5 - 9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước cao hơn nhiều giá vàng thế giới có thể dẫn đến tình trạng nhập lậu vàng và làm “chảy máu” ngoại tệ. Giá vàng trong nước cao hơn nhiều giá vàng thế giới có thể dẫn đến tình trạng nhập lậu vàng và làm “chảy máu” ngoại tệ.

Giá vàng thế giới lao dốc

Nhiều người mua vàng dịp cuối năm ngoái, đầu năm nay đứng ngồi không yên khi thấy giá kim quý này có diễn biến giảm. Cầm trong tay hơn 20 lượng vàng đem bán, ông Nguyễn Hoàng Việt (khách bán vàng tại một cửa hàng của SJC ở TP.HCM) ngậm ngùi chia sẻ, ông quyết định cắt lỗ vì trên thị trường có không ít thông tin cho rằng, vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm giá, nhất là khi đang có mức chênh lớn so với giá vàng thế giới.

Trong 1 tháng qua, vàng đã mất hơn 200 USD/ounce, từ ngưỡng 1.900 USD/ounce xuống dưới 1.700 USD/ounce. Vàng luôn được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lạm phát, song đang mất dần tính hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư khi USD tăng trở lại.

Đồng bạc xanh hiện có mức tăng gần 2,5% so với đầu năm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,62%, cao nhất kể từ tháng 2/2020.

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Kitco News, đà tăng của USD và lợi suất trái phiếu đang tác động không nhỏ đến tâm lý đầu tư trên thị trường vàng. Thêm vào đó, áp lực chốt lời của các quỹ đầu tư vàng trên thế giới khiến mặt hàng kim quý này khó có thể tăng trong ngắn hạn.

Cũng theo ông Hoàng Việt, đầu tư lời lỗ là bình thường, nhưng đi mua vàng ông thấy có sự bất cập rất lớn, tạo cơ hội kiếm lời cho doanh nghiệp vàng, đó là chênh lệch giá mua - bán có thời điểm lên tới gần 2 triệu đồng/lượng. "Bất cập là người mua vàng có lãi cũng thấp mà lỗ thì rất lớn với kiểu định giá này", ông Việt nói.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ nhìn nhận, vàng giảm giá còn do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu dần được kiểm soát khi người dân được tiêm vắc-xin.

Một số yếu tố hỗ trợ mạnh đối với giá vàng như trong năm 2020 không còn (bầu cử Tổng thống Mỹ), trong khi kinh tế toàn cầu dần được cải thiện. Thêm vào đó, sự lên ngôi của các đồng tiền ảo thu hút một phần dòng tiền của các nhà đầu tư.

Giá vàng trong nước giảm theo giá vàng thế giới, nhưng mức giảm thấp hơn nhiều khiến độ vênh giữa hai loại giá vàng lên đến 8,5 - 9 triệu đồng/lượng. Việc không liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế đã dẫn đến tình trạng này. Thực tế, giá vàng trong nước có nhiều thời điểm lỗi nhịp với giá vàng thế giới.

Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, ông Huỳnh Trung Khánh nhận định, động thái “bơm tiền” thông qua các gói kích thích kinh tế quy mô lớn của Mỹ cũng như châu Âu sẽ khiến lạm phát có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới, trong khi vàng luôn được xem là tài sản trú ẩn khi lạm phát tăng. Vả lại, kinh tế thế giới dự kiến sẽ mất một thời gian dài mới có thể hồi phục.

“Do đó, vàng vẫn có các yếu tố hỗ trợ, cho dù trước mắt đang điều chỉnh giảm. Giá vàng sẽ lấy lại ngưỡng 2.000 USD/ounce năm nay, nhưng khó có thể tăng mạnh như năm 2020”, ông Khánh nói và cho hay, vàng còn “sóng”, song không mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước.

Cần thành lập sàn vàng

Mức chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước lên đến 9 triệu đồng/lượng gần đây được nhìn nhận góp phần khiến tỷ giá USD trên thị trường tự do tăng cao. Ông Hải cho rằng, không loại trừ tình trạng gom USD để nhập lậu vàng.

Thị trường vàng trong nước không liên thông với quốc tế và được kiểm soát theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nên nguồn cung hạn chế, trong khi các ngân hàng không được huy động vàng như trước.

Do đó, giải pháp cho thị trường vàng hiện nay là thành lập sàn vàng và phát hành các chứng chỉ vàng ETF. Việc này sẽ không làm tăng mức độ “vàng hóa” như nhập khẩu vàng vật chất, hay cho các ngân hàng huy động và cho vay vàng, mà có lợi cho việc thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường tài chính Việt Nam.

Đồng thời, tạo lập được sàn vàng quốc gia với các chứng chỉ ETF giúp bổ sung công cụ đầu tư, có lợi cho việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Đồng quan điểm, ông Khánh nhận định, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới do bất cân xứng cung - cầu trong nước khi thị trường vàng nội địa không được liên thông với thế giới. Chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và quốc tế ở mức cao khó có thể tránh được tình trạng nhập lậu vàng, “chạy máu” ngoại tệ. Tỷ giá chợ đen đã tăng cao trong thời gian gần đây, lên 23.900 - 24.000 đồng/USD.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang trong nước, cân bằng cung - cầu.

“Việc nhập vàng nguyên liệu sẽ không ảnh hưởng đến tỷ giá, vì Việt Nam đang xuất siêu”, ông Khánh nhấn mạnh.

Đồng thời, Hiệp hội đề xuất sửa đổi Nghị định 24. Nghị định này ra đời cách đây gần 10 năm, cần được sửa đổi để phù hợp với việc quản lý, điều hành thị trường vàng trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam đã ký kết thêm nhiều hiệp định thương mại tự do.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần thành lập sàn giao dịch vàng như nhiều nước trong khu vực, dưới sự quản lý và điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Việc không có sàn giao dịch khiến hầu hết nhà đầu tư vàng trong nước chịu thiệt thòi. Dù giá vàng thế giới tăng hay giảm, phần lợi luôn thuộc về các nhà kinh doanh vàng.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, hiện nay, không thể coi vàng là kênh đầu cơ, lướt sóng, vì Chính phủ đã sớm đưa loại tài sản này vào quản lý chặt chẽ và ổn định giá từ năm 2014 đến nay. Hoạt động xuất nhập khẩu vàng cũng được cơ quan quản lý đưa về một mối là Ngân hàng Nhà nước. Nhưng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế quá lớn là một điểm đáng lưu ý, dẫn tới nguy cơ đầu cơ và nhập lậu vàng vào Việt Nam. Về lâu dài, cơ quan quản lý cần có giải pháp để giá vàng trong nước có sự cân bằng, liên thông với giá vàng thế giới, thay vì “một mình một chợ”.

Ngân hàng Nhà nước kiên định với mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa. Theo cơ quan này, Nghị định 24 đi vào cuộc sống (từ năm 2012) đem lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế, kể cả cấp độ vĩ mô và vi mô. Đó là giá vàng không còn “nhảy múa” như trước và không ảnh hưởng các giá các loại hàng hóa khác, không ảnh hưởng đến tỷ giá ngoại tệ, tạo điều kiện cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải là hàng hóa bình thường như những loại hàng hóa khác, mà vẫn là đối tượng được quản lý ngoại hối một cách chặt chẽ.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục