Tại thị trường vàng trong nước, sau khi không biến động trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 3/7 tăng 200.000 đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 118,9 – 120,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 115,8 – 118,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 18,4 USD lên mức 3.357,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm 7,1 USD xuống 3.350 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 8/2025 trên sàn Comex New York tăng 9,9 USD, tương ứng tăng 0,3% lên mức 3.359,7 USD/ounce.
Vàng tương lai tăng nhẹ khi các nhà giao dịch đang chờ báo cáo kinh tế quan trọng của Hoa Kỳ vào sáng thứ Năm – báo cáo tình hình việc làm tháng 6 từ Bộ Lao động (ra sớm hơn một ngày do ngày lễ Độc lập Hoa Kỳ vào thứ Sáu). Con số bảng lương phi nông nghiệp quan trọng được dự kiến sẽ tăng 110.000 so với mức tăng 139.000 trong báo cáo tháng 5.
Trọng tâm của thị trường đang chuyển trở lại thương mại toàn cầu và đặc biệt là các thỏa thuận thương mại của Hoa Kỳ khi thời hạn tạm hoãn do Hoa Kỳ áp đặt là ngày 9/7 đang đến gần đối với một số quốc gia để đạt được thỏa thuận.
Tờ Wall Street Journal ngày 3/7 đưa tin các thỏa thuận thương mại tỏ ra khó đạt được, phản ánh những thách thức trong đàm phán. Những lo ngại về chiến tranh thương mại và bất ổn kinh tế toàn cầu đang thúc đẩy nhu cầu đối với vàng – một tài sản trú ẩn an toàn
Ông Ryan McIntyre, Đối tác quản lý cấp cao tại Sprott cho biết, ông kỳ vọng cả giá bạc và vàng sẽ có xu hướng tăng cao hơn khi các nhà đầu tư bán lẻ tiếp tục tìm kiếm tài sản bảo vệ tài sản và sức mua của họ.
“Vàng vẫn là loại tiền tệ toàn cầu cuối cùng. Đối với tôi, vàng sẽ luôn có vị thế cố định trong danh mục đầu tư”, ông McIntyre nói.
Trong khi đó, xét về tiềm năng tăng giá của vàng, Fawad Razaqzada, Nhà phân tích thị trường tại City Index và FOREX.com chỉ ra rằng: “Mức 3.435 USD/ounce là ngưỡng kháng cự quan trọng đầu tiên. Trên ngưỡng này, không có nhiều ngưỡng kháng cự rõ ràng hơn nữa cho đến mức cao nhất vào tháng 4 là 3.500 USD/ounce. Vượt qua đỉnh đó, chúng ta sẽ lại ở những vùng đất chưa được khám phá, nghĩa là không ai có thể đoán được kim loại này sẽ tăng cao hơn bao nhiêu từ đó".
Ông Razaqzada nhấn mạnh thêm, mặc dù nhu cầu trú ẩn an toàn có thể đã đạt đỉnh, nhưng vẫn có những yếu tố khác có thể tạo ra động lực mua vàng mới, đặc biệt là việc mua nhiều hơn của ngân hàng trung ương trong bối cảnh lo ngại về tài chính của Hoa Kỳ đang âm ỉ.
Với mức giá khoảng 3.350 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 107,5 triệu đồng/lượng, như vậy, vàng trong nước đang cao hơn khoảng 13,4 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới.
|
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng tại mức 96,75 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 3/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 25.091 đồng/USD, tăng 21 đồng so với phiên hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.836 – 26.346 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.887 đồng/USD ở chiều mua vào và 26.295 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.975 – 26.345 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 26.370 đồng/USD và bán ra là 26.470 đồng/USD.