Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 600.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 29/5 tăng thêm 400.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều, hiện niêm yết lần lượt ở mức 88,9 – 90,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 88,9 – 90,9 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng nhẹ 60.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 75,48 – 76,88 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 10 USD lên 2.361,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm nhẹ 2,8 USD xuống 2.358,6 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York tăng 22 USD, tương ứng tăng 0,94% lên mức 2.356,5 USD/ounce.
Vàng bật tăng mạnh khi các yếu tố bên ngoài đang có lợi như đồng đô la yếu đi và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Ngoài ra, sự ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế vĩ mô cũng đóng một vai trò quan trọng hỗ trợ cho sự phục hồi của kim loại quý.
Cụ thể, các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở Trung Đông và xung đột Nga-Ukraine tiếp tục gây ra bất ổn địa chính trị, củng cố sức hấp dẫn của nơi trú ẩn an toàn như vàng.
Ngoài ra, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã tăng đều đặn lượng vàng nắm giữ trong hai năm qua, trong đó ngân hàng trung ương Trung Quốc là một trong những người mua tích cực nhất.
Nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc cũng là chất xúc tác chính cho sự tăng giá gần đây của vàng. Theo UBS: “Một yếu tố quan trọng thúc đẩy giá vàng tăng vọt là nhu cầu vàng của Trung Quốc tăng mạnh, đặc biệt rõ ràng trong quý đầu tiên của năm 2024.
Người tiêu dùng Trung Quốc đã thể hiện sự thèm muốn chưa từng có đối với đồ trang sức bằng vàng, với lượng mua đạt mức kỷ lục. Nhu cầu tăng vọt từ Trung Quốc đã góp phần đáng kể vào quỹ đạo đi lên của giá vàng và dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ giá trong thời gian tới".
Các nhà đầu tư và giao dịch vàng vẫn tích cực mua khi giá giảm, hỗ trợ giá kim loại quý ở mức cao mới này.
Bên cạnh đó, theo CME FedWatch Tool, các thị trường đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ giữ nguyên lãi suất trong suốt mùa hè và nhận thấy cơ hội cắt giảm lãi suất là 50/50 vào tháng 9.
Các nhà phân tích tại UBS cho biết: “Chúng tôi thừa nhận sự không chắc chắn đáng kể xung quanh xu hướng lãi suất trong ngắn hạn, nhưng lãi suất đang giảm và điều này thường thúc đẩy dòng vốn ETF, vốn là chất xúc tác quan trọng tiếp theo của chúng tôi”. Đồng thời, UBS cho rằng, đợt tăng giá vàng vẫn chưa kết thúc và dự báo kim loại quý này có thể lên mức 2.700 USD/ounce trong năm tới.
Với mức giá khoảng 2.358,6 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 73,22 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 17,7 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 104,64 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 29/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.253 đồng/USD, giảm nhẹ 3 đồng so với phiên hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.040 – 25.466 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.450 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.235 – 25.465 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.750 đồng/USD và bán ra là 25.830 đồng/USD.