Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 50.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 22/11 tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết ở mức 55,75 – 56,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng niêm yết ở mức 55,75 – 56,25 triệu đồng/lượng.
Như vậy, tính chung từ đầu tuần, giá vàng SJC đã giảm 150.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay cũng không đổi so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 53,66 – 54,36 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ tăng 4,4 USD lên 1.870,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 trên sàn Comex New York tăng hơn 8 USD lên 1.869,6 USD/ounce.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu hồi phục nhẹ, sau khi có tin Bộ trưởng Tài chính Mỹ , ông Steven Mnuchin thông báo các cuộc đàm phán về các biện pháp kích thích tài chính vẫn đang được xúc tiến.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 18,8 USD/ounce, tương đương -0,99%.
Khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 17 chuyên gia trên phố Wall, thì có 8 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 5 người cho rằng giá vàng giảm và như vậy có 4 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến, với 1.539 người tham gia thì 41% trong số đó tin rằng giá vàng sẽ tăng, 39% cho rằng giá vàng giảm và 20% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Biên tập viên Neils Christensen của Kitco cho biết, mặc dù các tin tức tốt về vắc-xin Covid-19 có thể giúp nền kinh tế trở lại bình thường sớm hơn sẽ tăng áp lực đối với vàng, nhưng các nguyên tắc cơ bản vẫn sẽ hỗ trợ kim loại quý tăng giá.
Bởi, các chính phủ khắp nơi trên thế giới đã chi tiêu và hỗ trợ nền kinh tế lên đến hàng nghìn tỷ USD, bao gồm cả hạ lãi suất về mức rất thấp và không có dấu hiệu có thể đảo ngược, đây chính là môi trường hoàn hảo cho vàng tăng giá.