Đầu tư vàng giảm dần hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Vàng bắt đầu tăng giá mạnh vào đầu tháng 11, nhưng cũng kịp chứng kiến cú rớt giá sâu đầu tuần trước. Cơ hội mở ra và rủi ro trực chờ!

Hiện tại, vàng tiếp tục dao động quanh mức 1.900 USD/ounce. Ảnh: Dũng Minh Hiện tại, vàng tiếp tục dao động quanh mức 1.900 USD/ounce. Ảnh: Dũng Minh

Biên độ chênh lệch giá quá lớn, người mua chịu thiệt

Chị Trâm Anh, một nhà đầu tư cá nhân cho biết, đón đầu xu hướng giá vàng tăng trước bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, chị đã đầu tư 1 tỷ đồng vào vàng mong kiếm lợi nhuận, thế nhưng các đợt “sóng” vàng vừa qua đã “đánh tan” khoảng 1/3 vốn.

Sở dĩ chị Trâm Anh cũng như nhiều nhà đầu tư cá nhân khác thua lỗ khi đầu tư vàng, theo giới phân tích, chủ yếu do thị trường vàng trong nước không liên thông với quốc tế. Khi giá vàng quốc tế tăng mạnh thì giá trong nước tăng chậm và các nhà kinh doanh vàng nới rộng biên độ mua - bán, khiến nhà đầu tư trong nước chịu thiệt. Phần lợi thuộc về các cửa hàng kinh doanh vàng.

Thông thường, giá vàng thế giới tăng sẽ kéo giá vàng ở thị trường nội địa tăng theo. Nhưng vì giá vàng trong nước không liên thông được với giá thế giới nên luôn cao hơn khoảng 3,5 triệu đồng/lượng, thậm chí còn lên tới 4-5 triệu đồng/lượng như thời điểm vàng lập đỉnh 2.078 USD/ounce vào đầu tháng 8/2020.

Giá vàng thế giới hiện ở dưới mức 1.900 USD/ounce, trong khi vàng SJC vẫn cao hơn gần 4 triệu đồng/lượng. Điều này khiến người mua vàng nhỏ lẻ cũng như các nhà đầu tư trong nước thua thiệt do chênh lệch mua - bán được kéo giãn quá mức, kể cả khi mua được vàng ở vùng giá thấp.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT SJC Phú Thọ phân tích, vàng biến động, song biên độ mua - bán được doanh nghiệp kinh doanh vàng niêm yết khá rộng, đồng thời giá trong nước luôn chênh lệch với quốc tế. Đáng chú ý hơn, trong những thời điểm vàng vượt mức 60 triệu đồng/lượng, tức cao hơn quốc tế 4-5 triệu đồng/lượng, nhưng khi vàng quốc tế tăng thì vàng SJC không những không thăng theo, mà còn giảm thấp hơn giá vàng thế giới. Nguyên nhân được chỉ ra là do vàng bị bán ra nhiều để chốt lời nên giá khó tăng, trong khi nhiều doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh mua vào trước đó khi giá vàng còn ở mức thấp dẫn đến dư thừa nguồn cung vàng miếng nên đã giảm giá mua vàng ở đầu vào.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho hay, dù giá vàng tăng mạnh thời gian gần đây, song giao dịch vàng miếng của nhà đầu tư cá nhân không mấy sôi động. PNJ cũng không còn chú trọng nhiều vào mảng kinh doanh vàng miếng, cho dù doanh thu ở lĩnh vực này có tăng. Bởi theo bà Dung, một khi thị trường vàng không được liên thông với quốc tế thì người mua vàng trong nước khó có thể kiếm lợi nhuận cao, dù cho giá vàng có chiều hướng đi lên.

Vàng chờ bứt phá

Từ đầu năm đến nay, vàng thế giới đã tăng hơn 26% trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng và các chương trình kích thích kinh tế lớn của các chính phủ, ngân hàng trung ương trên thế giới liên tục được tung ra nhằm hỗ trợ các nền kinh tế hồi phục.

Ảnh tác giả

Dù giá vàng tăng mạnh thời gian gần đây, song giao dịch vàng miếng của nhà đầu tư cá nhân không mấy sôi động. PNJ cũng không còn chú trọng nhiều vào mảng kinh doanh vàng miếng, cho dù doanh thu ở lĩnh vực này có tăng.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ

Tại Mỹ, các cơ quan truyền thông đều đồng loạt đưa tin về chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống, khiến các tài sản rủi ro như vàng tăng vọt. Bởi thế, việc vàng giảm gần 100 USD mỗi ounce trong những phiên vừa qua được cho là do tác động bởi thông tin về vắc-xin Covid-19 và chỉ mang tính nhất thời.

Giới phân tích tài chính cho rằng, nếu ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ thì sẽ thúc đẩy các gói kích thích tài chính bổ sung, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ có nhiều động thái quyết liệt hơn để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế Mỹ... khiến lượng tiền được đưa ra thị trường nhiều hơn. Khi đó, tài sản có khả năng phòng ngừa lạm phát như vàng sẽ được hưởng lợi.

Theo đánh giá của ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam, vàng được dự báo không khó để lặp lại mức kỷ lục 2.078 USD/ounce vào ngày 7/8/2020, thậm chí có thể vượt mức 2.100 USD/ounce vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Tuy nhiên, trước khi bứt phá, vàng sẽ tiếp tục dao động quanh mức 1.900 USD/ounce như hiện nay.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải nhận định, kinh tế Mỹ vẫn chưa thoát khỏi suy thoái nên cần thêm các gói kích cầu hỗ trợ phát triển kinh tế. Theo ông Hải, nước Mỹ sẽ không chỉ chịu tác động nghiêm trọng của khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19, mà còn có khả năng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc sau bầu cử. Trước bối cảnh kinh tế Mỹ nói riêng, kinh tế toàn cầu nói chung, chưa thể khởi sắc, vàng vẫn được xem là hầm trú ẩn an toàn cho giới đầu tư toàn cầu trong thời gian tới.

Các nhận định đưa ra từ giới phân tích lĩnh vực vàng, khả năng mặt hàng kim loại quý này sẽ sớm chạm mốc 2.000 USD/ounce. Trả lời Kitco News, John LaForge - người đứng đầu bộ phận chiến lược tài sản tại Wells Fargo cho biết, tổ chức này duy trì nhận dịnh giá vàng cuối năm sẽ ở mức 2.100 USD/ounce. Goldman Sachs Group cũng đã nâng dự báo giá vàng lên ngưỡng 2.300 USD/ounce. Chính điều này đã thôi thúc các nhà đầu tư trên thế giới tiếp tục tìm đến vàng khiến mặt hàng này tăng giá.

Thế nhưng, bất chấp giá vàng thế giới biến động, giá vàng trong nước vẫn “đủng đỉnh” quanh ngưỡng 56 triệu đồng/lượng. Mức giá này cao hơn giá thế giới khoảng 3,7 triệu đồng/lượng và mức chênh lệch mua - bán niêm yết tại các tiệm vàng ở quanh mức hơn 500.000 đồng/lượng. Vì vậy, người nắm giữ vàng miếng SJC vẫn không thể có lời, dù cho giá vàng thế giới có xu hướng tăng nhiều hơn giảm.

Đó cũng chính là lý do khiến người dân cũng như giới đầu tư vàng trong nước không mấy mặn mà với kênh này như trước đây. Chia sẻ về quan điểm đầu tư, TS. Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, vàng không phải là lựa chọn đầu tiên của ông. Bởi theo chuyên gia này, vàng thường lên xuống theo thời điểm, một khi giá đã tăng nhanh thì rủi ro đảo chiều giảm mạnh cũng nhanh không kém. Nếu chọn đầu tư vào vàng thì nên đầu tư dài hạn, nhưng cần thường xuyên chú ý đến các thông tin có thể tác động mạnh lên giá vàng như dịch bệnh Covid-19… để có thể đưa ra quyết định mua - bán đúng đắn.

“Với vàng cần kỳ vọng tăng tối thiểu 20% thì mới nên chấp nhận đầu tư. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này là không dễ dàng, nhất là khi giá vàng trong nước chưa liên thông được với giá vàng quốc tế”, ông Thành nói.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết, dù giá vàng biến động mạnh, nhưng lượng giao dịch trên thị trường không tăng cao, cung cầu thị trường ở mức thấp. Mặt khác, do nguồn cung vàng SJC hạn chế, doanh nghiệp chủ yếu mua đi bán lại nên khó có thể kỳ vọng lợi nhuận cao. Trong khi đó, tâm lý của người dân châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng, vẫn luôn mua vàng để tích trữ, làm của để dành cho con cháu nên cầu về vàng luôn tồn tại.

“Để tránh rủi ro và kiếm được lợi nhuận, các nhà đầu tư nên có sự phân bổ vốn phù hợp, không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ là vàng”, ông Khánh khuyến nghị.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục