Tại thị trường vàng trong nước, sau khi giảm 300.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 20/4 tại Hà Nội đảo chiều tăng 200.000 đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 82,0 – 84,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 82,0 – 84,0 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay chưa có biến động so với ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 75,36 – 77,06 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 13,3 USD lên 2.391,2 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York tăng 15,8 USD, tương ứng tăng 0,66% lên mức 2.413,8 USD/ounce.
Giá vàng đã tăng mạnh trên 2.400 USD sau khi Israel thực hiện một cuộc tấn công quân sự hạn chế nhằm vào Iran để trả đũa cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran vào cuối tuần. Xung đột gia tăng là do cuộc chiến đang diễn ra của Israel với Hamas ở Gaza. Tuy nhiên, kim loại quý này không thể giữ được mức tăng vọt và đã kết thúc tuần, củng cố quanh mức 2.400 USD/ounce.
Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng mức tăng đột biến qua đêm hôm thứ Sáu đã giảm so với mức cao kỷ lục trong ngày của tuần trước ở mức 2.448,80 USD/ounce, một dấu hiệu cho thấy ngay cả sự không chắc chắn về địa chính trị cũng đang mất dần sức ảnh hưởng trên thị trường.
Một số nhà phân tích cho rằng khi căng thẳng địa chính trị ổn định, thị trường có thể bắt đầu tập trung vào các động lực cơ bản hơn trên thị trường, điều này không mang lại tín hiệu tốt cho vàng trong thời gian tới.
Thị trường vàng thậm chí còn có thể chịu được những bình luận diều hâu bất ngờ từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, người đã phát biểu trong một sự kiện ở Washinton, DC, rằng sau báo cáo lạm phát mới nhất, ngân hàng trung ương không đủ tự tin để cắt giảm lãi suất.
Một số nhà phân tích cho rằng môi trường này sẽ tiếp tục hỗ trợ lợi suất trái phiếu cao hơn và đồng đô la Mỹ mạnh hơn, vốn là hai yếu tố cản trở truyền thống đối với vàng.
Các nhà phân tích khác lưu ý rằng mặc dù việc thay đổi kỳ vọng xung quanh chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang đang hỗ trợ lợi suất trái phiếu cao hơn nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Các nhà phân tích lưu ý rằng thị trường đang ngày càng lo lắng về quy mô và quỹ đạo nợ của chính phủ Mỹ.
Lợi suất trái phiếu có thể tăng khi các nhà đầu tư đòi hỏi nhiều tiền hơn để giảm rủi ro nợ, điều này có thể hỗ trợ giá vàng.
Tuần tới, Cục Dự trữ Liên bang sẽ bắt đầu giai đoạn tạm dừng kéo dài hai tuần trước quyết định chính sách tiền tệ ngày 1/5, vì vậy thị trường sẽ phải đánh giá dữ liệu kinh tế mà không có bất kỳ hướng dẫn nào.
Ngoài ra, thị trường sẽ chờ đón những dữ liệu kinh tế như Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi tháng 3, thước đo lạm phát ưa thích của ngân hàng trung ương; tổng sản phẩm quốc nội quý đầu tiên; dữ liệu bán nhà và báo cáo về sức khỏe của lĩnh vực sản xuất.
Với mức giá khoảng 2.391,2 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 74,23 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 9,79 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 105,93 điểm.
Tỷ giá trung tâm cuối tuần qua được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.231 đồng/USD. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.047 – 25.473 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.450 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.133 – 25.473 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.680 đồng/USD và bán ra là 25.760 đồng/USD.