Sau khi tăng 20.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 19/1 tại Hà Nội giảm thêm 40.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 36,52 - 36,72 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Còn tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 36,52 - 36,70 triệu đồng/lượng.
Như vậy, tính chung từ đầu tuần, giá vàng SJC đã mất 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, hiện niêm yết ở mức 36,17 - 36,62 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường vàng thế giới, chốt phiên đêm qua tại Mỹ, giá vàng giao ngay giảm mạnh 10 USD xuống 1.281,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 11 USD xuống 1.281 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm qua lao dốc do chịu sức ép từ đồng USD và chứng khoán Mỹ cùng châu Âu tăng vọt.
Các thị trường tài chính bùng nổ đến từ việc gần đây Trung Quốc và Mỹ đã có những dấu hiện cho thấy 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này đều mong muốn có một thỏa thuận thương mại, và điểm nổ là thông tin Trung Quốc mới đây đã chính thức thông báo sẽ mua một lượng lớn hàng nông sản của Mỹ.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, vàng khó có thể giảm sâu hơn nữa, thậm chí còn có thể tăng trở lại, do vẫn chưa có gì là chắc chắn đối với đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Cùng với đó là tình hình chính trị tại Mỹ đang có bất ổn, khi chính phủ Mỹ vẫn đang trong tình trạng phải đóng cửa một phần và đã kéo dài đến 3 tuần, khiến 800.000 nhân viên Chính phủ đang làm việc không lương.
Theo ước tính, thiệt hại gây ra đối với kinh tế Mỹ do tình trạng này có thể lên đến 6 tỷ USD, cao hơn số tiền cần chi để xây dựng bức tường tại bên giới Mexico.
Ngoài ra, tại châu Âu, vấn đề Brexit chưa có lối thoát cũng là động lực hỗ trợ vàng, khi mà nguy cơ việc Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào vẫn còn bỏ ngỏ. Nếu như điều này xảy ra, tổn thất đối với nền kinh tế tại Anh dự kiến là khoảng 112 tỷ Euro, còn EU mất khoảng 140 tỷ Euro.