Giá vàng giảm mạnh, chứng khoán lình xình

(ĐTCK) Áp lực chốt lời khiến giá vàng giảm mạnh, trong khi đó, nhận các thông tin trái chiều, chứng khoán Âu, Mỹ lình xình và đóng cửa ít thay đổi trong phiên đầu tuần.
Phố Wall duy trì phiên tăng thứ 4 liên tiếp, nhưng mức tăng khiêm tốn do thị trường chịu áp lực lớn (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall duy trì phiên tăng thứ 4 liên tiếp, nhưng mức tăng khiêm tốn do thị trường chịu áp lực lớn (Ảnh minh họa: AFP)

Sau khi có 3 phiên tăng mạnh liên tiếp cuối tuần qua sau quyết định không tăng lãi suất của Fed, giới đầu tư trên phố Wall đã thận trọng trở lại khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới.

Với việc cả chỉ số Dow Jones và S&P 500 liên tục lập mức cao nhất năm 2016 khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng các cổ phiếu đã được định giá quá cao và áp lực chốt lời có thể diễn ra bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, thị trường bước vào tuần giao dịch mới cũng khá trống thông tin, ngoài việc giá dầu hồi phục nhẹ, kéo nhóm cổ phiếu năng lượng tăng theo.

Chính những yếu tố trên khiến phố Wall dù có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp, nhưng mức tăng trong phiên đầu tuần mới gần như không đáng kể.

Kết thúc phiên 21/3, chỉ số Dow Jones tăng 21,57 điểm (+0,12%), lên 17.623,87 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,02 điểm (+0,1%), lên 2.051,60 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 13,23 điểm (+0,28%), lên 4.808,87 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại giảm nhẹ khi chịu ản hưởng của nhóm cổ phiếu hàng hóa, năng lượng do giá dầu trong phiên đang giảm. Tuy nhiên, đà giảm của chứng khoán khu vực được hạn chế đến mức tối thiểu nhờ sự hỗ trợ của 2 cổ phiếu lớn là Telecom Italia và Bayer.

Kết thúc phiên 21/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 5,06 điểm (-0,08%), xuống 6.184,58 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 2,16 điểm (-0,02%), xuống 9.948,64 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 34,71 điểm (-0,78%), xuống 4.427,80 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch, trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại tăng mạnh sau thông tin một số cổ phiếu sẽ được ký quỹ, kéo chứng khoán Hồng Kông đảo chiều tăng theo.

Kết thúc phiên 21/3, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 12,52 điểm (+0,06%), lên 20.684,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 63,65 điểm (+2,15%), lên 3.018,80 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch.

Trên thị trường vàng, do chịu áp lực chốt lời sau khi lên mức cao nhất 13 tháng, giá vàng đã quay đầu giảm khá mạnh trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 21/3, giá vàng giao ngay giảm 11,9 USD (-0,95%), xuống 1.243,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 giảm 11,8 USD (-0,94%), xuống 1.244,2 USD/ounce.

Giá dầu thô hồi phục khoảng trở lại trong phiên đầu tuần mới sau dữ liệu kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần qua giảm lần đầu tiên kể từ tháng Giêng. Cụ thể, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Genscape, kho dự trữ dầu thô tại trung tâm giao dịch Cushing, Oklahoma tuần qua giảm 570.574 thùng, xuống còn 69,05 triệu thùng.

Tuy nhiên đà tăng của giá dầu không quá mạnh khi dữ liệu của Genscape trái ngược với cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ có thể tăng      3 triệu thùng trong tuần qua, lên mức cao kỷ lục mới. Trong khi đó, theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ, kho dự trữ dầu thô trong tuần tính đến ngày 11/3 đạt mức đỉnh 67,5 triệu thùng.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng lo lắng, với đà tăng mạnh của giá dầu thô trong 2 tháng qua, số lượng giàn khoan của Mỹ sẽ tăng lên sau khi giảm liên tiếp kể từ cuối năm ngoái. Tuần trước, lần đầu tiên số lượng giàn khoan của Mỹ đã tăng thêm 1 giàn khoan sau chuỗi giảm liên tiếp trước đó.

Kết thúc phiên 21/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,47 USD (+1,18%), lên 39,91USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,34 USD (+0,82%), lên 41,54 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục