Giá trị phát hành trái phiếu thảm hoạ tiếp tục đạt kỷ lục

(ĐTCK) Ngày càng có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro từ thảm họa khí hậu khi thị trường trái phiếu thảm họa phát triển với tốc độ chóng mặt và lập kỷ lục về giá trị phát hành trong hai năm liên tiếp.

Theo dữ liệu từ Artemis, doanh số phát hành trái phiếu thảm hoạ đã tăng vọt lên 17,7 tỷ USD trong năm nay, tương ứng với mức tăng 7% so với năm ngoái và là năm thứ hai liên tiếp giá trị phát hành đạt kỷ lục. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới trái phiếu thảm hoạ và khi các đơn vị phát hành tìm cách chuyển giao nhiều rủi ro hơn.

Các trái phiếu thảm hoạ sẽ chuyển giao rủi ro về bão, gió lốc và động đất cho các nhà đầu tư tư nhân, sử dụng những khoản tiền đó để giúp thanh toán các yêu cầu bồi thường nếu những thảm họa khí hậu đó xảy ra.

Điều này giúp các đơn vị phát hành giảm thiểu tổn thất vì cuộc khủng hoảng khí hậu khiến các sự kiện thời tiết trở nên cực đoan hơn và lạm phát dai dẳng khiến việc tái thiết sau thảm họa trở nên tốn kém hơn.

Nhưng nếu những thảm họa thời tiết đó không xảy ra hoặc tổn thất không lớn như dự kiến, các nhà đầu tư có thể kiếm được nhiều lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận có khả năng lên tới khoảng 16% trong năm nay ngay cả sau khi hai cơn bão lớn đã tàn phá nước Mỹ trong mùa thu năm nay.

Bão Helene đã đổ mưa lớn xuống miền bắc Florida, Georgia và Nam Carolina khi di chuyển vào đất liền, gây ra lũ lụt trên diện rộng. Nhưng hầu hết các khu vực bị ảnh hưởng đều không có đủ bảo hiểm về lũ lụt, nghĩa là hầu hết thiệt hại sẽ dẫn đến tổn thất kinh tế thay vì tổn thất được bảo hiểm, bảo vệ các nhà đầu tư trái phiếu thảm họa khỏi những tổn thất tồi tệ nhất.

Trong khi đó, bão Milton đã suy yếu thành bão cấp 3 khi đổ bộ chỉ hai tuần sau đó, điều này có nghĩa là các nhà đầu tư trái phiếu thảm họa đã không phải gánh chịu những tổn thất lớn như họ dự kiến ​​ban đầu, mặc dù thiệt hại do bão gây ra vẫn rất lớn.

"Đã có một số cơn bão mạnh đổ bộ, nhưng vì chúng không trực tiếp tấn công các khu vực đô thị lớn nên tác động lên thị trường tái bảo hiểm và trái phiếu thảm họa có thể sẽ không đáng kể", báo cáo của Artemis cho biết.

Trong khi đó, các mối nguy hiểm thứ cấp như cháy rừng, lốc xoáy và lũ lụt có khả năng gây ra nhiều thiệt hại hơn cho ngành bảo hiểm trong năm nay, với hơn 50 tỷ USD tiền bảo hiểm.

Mặc dù mối nguy hiểm thứ cấp riêng lẻ ít gây thiệt hại hơn so với mối nguy hiểm đỉnh điểm như một cơn bão lớn, nhưng tổng thiệt hại của chúng là rất lớn.

Các công ty bảo hiểm ngày càng tìm cách chuyển rủi ro của những mối nguy hiểm thứ cấp này cho các nhà đầu tư trái phiếu thảm họa khi thiệt hại của họ tăng lên, nhưng phải đối mặt với những thách thức trong cách định giá rủi ro tổng hợp, trái ngược với rủi ro mà một cơn bão riêng lẻ gây ra. Nếu các công ty bảo hiểm nhận thấy các nhà đầu tư quan tâm đến những trái phiếu như vậy, điều đó có nghĩa là thị trường trái phiếu thảm họa sẽ tiếp tục tăng trưởng.

"Mặc dù chúng tôi tập trung sự chú ý vào các cơn bão, nhưng điều quan trọng cần nhớ là các mối nguy hiểm thứ cấp vẫn hoạt động mạnh mẽ với những cơn lốc xoáy và mưa đá lớn, trong những gì có thể là trạng thái bình thường mới đối với mối nguy hiểm này", báo cáo cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục