Giá thịt lợn xuống thấp nhất thế giới và người nông dân như “củ khoai tây”

Hàng loạt biện pháp hỗ trợ, giải cứu người chăn nuôi lợn đã được đưa ra. Đây cũng là cuộc giải cứu thứ 5 đối với sản xuất nông nghiệp trong khoảng thời gian chưa đầy 4 tháng, song giải pháp căn cơ nhất - thay đổi tổ chức sản xuất cho người nông dân - vẫn rất lúng túng.     
Giá thịt lợn xuống thấp nhất thế giới và người nông dân như “củ khoai tây”

Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất đang diễn ra, khi giá thịt lợn xuống thấp nhất thế giới, khiến người chăn nuôi mất hàng chục ngàn tỷ đồng.

Thực tế, thảm họa này đã được báo trước vào đầu năm 2016, khi người nông dân ồ ạt đua nhau nuôi lợn để xuất sang Trung Quốc.

Nếu như những năm trước, cả nước chỉ nuôi 27-28 triệu con lợn, thì năm 2016, số đầu lợn đã vọt lên gần 30 triệu, đặc biệt đàn nái lên tới 4,2 triệu con (đứng thứ tư thế giới). Cung vượt quá xa cầu trong khi Trung Quốc dừng nhập khẩu tiểu ngạch, khiến giá thịt lợn trong nước tuột dốc không phanh.

Rất nhiều yếu kém đã bộc lộ khi khủng hoảng thịt lợn xảy ra khi khâu trung gian phải qua quá nhiều tầng nấc, khi khâu chế biến còn nhiều hạn chế... Đặc biệt là khâu tổ chức sản xuất và dự báo, mở rộng thị trường quá kém. Trong khi đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại mơ hồ về thị trường, thấy năm trước lãi cao, năm sau lại đua nhau tái đàn, mở rộng đàn. Hậu quả là giá thịt lợn rớt thê thảm.

Đã có rất nhiều biện pháp giải cứu chăn nuôi lợn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra như giảm đàn, kêu gọi doanh nghiệp giảm giá thức ăn chăn nuôi, tăng thu mua giết mổ cấp đông, đàm phán với đối tác nước ngoài mở thị trường xuất khẩu…

Nhưng đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế. Giải pháp căn cơ chính là thay đổi cách thức sản xuất của người nông dân.

Tuy vậy, trong thời gian diễn ra khủng hoảng thịt lợn, vẫn có không ít doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi sống khỏe. Đó là những trang trại, những doanh nghiệp đi vào phân khúc riêng, không chăn nuôi theo đại trà. Đó còn là những doanh nghiệp phát triển chăn nuôi theo quy trình khép kín, từ thức ăn đến con giống (như trường hợp của Công ty CP).

Khi đó, dù giá thịt lợn trong dân rớt thê thảm, nhưng giá thịt ở siêu thị vẫn tương đối ổn định, bởi CP và nhiều doanh nghiệp khác đã ký hợp đồng dài hạn với giá cao.

Đây là điều mà người chăn nuôi nhỏ lẻ không thể làm được.

Có người từng ví, người nông dân Việt Nam như những “củ khoai tây”, nhiều nhưng không biết liên kết, chấp nhận hưởng phần lợi nhuận ít nhất và tất yếu bị ép giá nhiều nhất. Không chỉ người chăn nuôi lợn, mà các hộ nông dân gieo trồng, sản xuất hành tím, cà chua, dưa hấu, chuối… cũng trong tình trạng tương tự.

Giải cứu nông sản là cần thiết để hỗ trợ người nông dân, nhưng về lâu dài, giải pháp làm thay, bán hộ này sẽ phản tác dụng nếu người nông dân ngày càng ỷ lại. Như vậy, điều cần kíp nhất hiện nay là phải giúp người nông dân thay đổi cách thức sản xuất.

Người nông dân Việt Nam như những “củ khoai tây”, nhiều nhưng không biết liên kết, chấp nhận hưởng phần lợi nhuận ít nhất và tất yếu bị ép giá nhiều nhất.

Chăn nuôi lợn hiện chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ (chiếm 55%), tách rời chuỗi liên kết dẫn tới giá thành cao, khó kiểm soát chất lượng, khó tạo niềm tin với thị trường, người chăn nuôi gặp nhiều rủi ro trước biến động giá. Chính vì vậy, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi sẽ không chỉ tạo niềm tin với thị trường trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu, giúp người nông dân có vị thế mặc cả tốt hơn.

Sau nữa, phải hình thành những tổ chức sản xuất trong nông dân, từ đó giảm bớt tình trạng “mạnh ai nấy làm”, “mạnh ai nấy mua”, giảm bớt sự bấp bênh về đầu ra nông sản, hạn chế tình trạng ép giá.   

Đương nhiên, để làm được điều này, Nhà nước phải hỗ trợ nông dân thành lập các hợp tác xã, hiệp hội, đào tạo kiến thức quản lý, kiến thức thị trường cho người nông dân để họ có thể liên kết với doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường, mở rộng mạng lưới phân phối.

Một khi tổ chức tốt khâu sản xuất, thì vấn đề quy hoạch, định hướng, cung cấp thông tin và hỗ trợ của Nhà nước cho nông dân sẽ dễ dàng hơn. Khi đó, dựa trên dự báo thị trường của cơ quan chức năng, người dân sẽ tự quyết sản xuất bao nhiêu và tự giám sát sản xuất. Và chỉ thành lập tổ chức của người sản xuất, thì nông dân mới có thể mặc cả khi bán, không bị thương lái ép giá.

Đương nhiên, cùng với giải pháp trên, cần tổ chức lại thị trường, giảm bớt khâu trung gian, có hệ thống dự báo và cung cấp thông tin thị trường thường xuyên cho nông dân, đồng thời nỗ lực cùng nông dân, doanh nghiệp mở rộng thị trường. Đây cũng là trách nhiệm nặng nề đặt ra cho các cơ quan quản lý.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục