Ông Phan Minh Báu - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho hay, giá heo hơi xuất chuồng hiện khoảng 22.000 - 28.000 đồng một kg, giảm 40% so với giá bình quân năm 2016.
So với giá thành hiện nay, người chăn nuôi đang lỗ khoảng 7.000-11.000 đồng mỗi kg. Trong khi đó, khảo sát tại một số chợ truyền thống giá thịt bán lẻ dao động 65.000-70.000 đồng một kg và tại siêu thị 80.000-100.000 đồng một kg.
"Giá thịt tới tay người tiêu dùng cao, chủ yếu do lợi nhuận khâu trung gian quá dày", lãnh đạo Sở Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai nói.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cho rằng lợi nhuận chủ yếu đang tập trung ở khâu trung gian, bình quân 44.000-64.000 đồng một kg.
Chia sẻ với VnExpress, một chuyên gia trong ngành chăn nuôi tiết lộ, để tới tay người tiêu dùng mỗi kg thịt heo phải chịu tỷ lệ hao hụt sau khi giết mổ 26-28%, chưa kể loạt phí phát sinh khác.
"Giá thịt heo hơi từ khi xuất chuồng tới pha lóc tăng 26-28%, cộng loạt chi phí như giết mổ, thú y, vận chuyển... tới tay người tiêu dùng, khâu trung gian đã bỏ túi khoảng 40.000-60.000 đồng mỗi kg thịt", vị này tính toán.
Chênh lệch giữa giá lợn hơi và tại các điểm bán lẻ, theo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tại các chợ truyền thống giá nhập thịt lợn không giảm nhiều do các đầu mối cung cấp (những người giết mổ tự do) không giảm giá thịt xẻ. Vài ngày gần đây các thương lái giết mổ giảm giá bán khoảng 10.000-20.000 đồng một kg, nhưng mức giảm này là không nhiều.
Còn ở một số siêu thị tại Hà Nội như Fivimart, Sai Gon Co.op, BigC, thịt nhập chủ yếu từ nhà cung cấp. Giá của các nhà cung cấp này không giảm nhiều do giá đã được ký hợp đồng từ trước thời điểm giá thịt lợn giảm sâu.
Cùng đó, do các hệ thống siêu thị thường thanh toán trả chậm từ 1-2 tháng nên bị tính vào giá thành cả chi phí lãi suất, vì vậy giá của các siêu thị cũng không giảm nhiều.
Một lý do nữa được các siêu thị đưa ra để giải thích cho giá thịt lợn tại siêu thị không giảm là do nguồn thịt lấy từ công ty CP. Đây là công ty có lợn nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật và giá bán cao hơn giá ngoài thị trường tự do.
Tuy nhiên Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá thịt heo giảm là do phía Trung Quốc ngưng nhập khẩu (tiểu ngạch), hoạt động xuất khẩu lợn sống qua biên giới phía Bắc sang nước này lập tức bị ảnh hưởng, càng gây sức ép trong nước.
Lượng thịt heo dư thừa khoảng 200.000 tấn (chưa tính đến lượng nhập khẩu) càng cộng dồn, gây sức ép, khiến giá trong nước rớt thê thảm.
Nhìn nhận việc giải cứu lượng thịt dư thừa đang tồn đọng trong dân là việc làm cấp bách, tại cuộc họp khẩn chiều 27/4, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị, địa phương cần có ngay giải pháp cùng Bộ Nông nghiệp "giải cứu" cho người chăn nuôi trong nước.
“Khi hàng nghìn hộ dân điêu đứng vì giá lợn hơi giảm, lượng thịt lợn tồn không có đầu ra thì đây không còn là vấn đề riêng của Bộ Nông Nghiệp, mà cần có sự chung tay của tất cả các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương”, ông nói.
Tuy thế, lãnh đạo ngành Công Thương cũng nhìn nhận, quy hoạch ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Như nhiều mặt hàng nông sản khác, lợn thịt được chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ lẻ nên tiêu thụ phần lớn phụ thuộc vào cá nhân mua gom, tự giết mổ bán cho các tiểu thương tại chợ.
Chính điều này gây khó khăn lớn cho việc tổ chức lưu thông phân phối cũng như quản lý hoạt động của các thương nhân nhỏ lẻ ở khâu trung gian.
Bên cạnh đó, hầu hết các hộ chăn nuôi đều không sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, khi nguồn cung dư thừa rất khó để kết nối tiêu thụ vào các kênh lớn như các doanh nghiệp chế biến, giết mổ tập trung và các siêu thị...
Đa số người chăn nuôi khi bán chọn phương thức thanh toán tiền mặt ngay sau khi giao sản phẩm với thương lái, dẫn đến lệ thuộc và thường bị ép giá khi thị trường biến động.
Để giải bài toán giá thịt lợn giảm sâu, Bộ trưởng Tuấn Anh chỉ đạo các Sở Công Thương địa phương làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối rà soát để giảm chi phí trung gian, thu hẹp chênh lệch giữa giá mua và bán lẻ.
Cơ quan này cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh thịt lợn tăng lượng thu mua và trữ đông thịt lợn chăn nuôi trong nước.
Về lâu dài, Bộ trưởng Công Thương đề nghị Bộ Nông Nghiệp cần phải có các giải pháp căn cơ ở tầm vĩ mô từ quy hoạch vùng, phân vùng, quản lý tổng đàn, đảm bảo cân đối cung - cầu, cần liên kết chặt chẽ 4 nhà, xây dựng bộ tiêu chí để định hướng chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường nội địa…