Giá thép cuộn cán nóng tiếp tục tăng 30 USD trong tháng 12, lợi nhuận doanh nghiệp thép phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tháng 12, ở thị trường trong nước giá bán thép nguội cán nóng (HRC) đã tăng 30 USD/tấn lên mức 600 USD/tấn, giá thép xây dựng cũng liên tiếp tăng và có xu hướng tiếp tục tăng khi sản lượng phục hồi, đã giúp lợi nhuận của các công ty thép tăng.
Giá thép cuộn cán nóng tiếp tục tăng 30 USD trong tháng 12, lợi nhuận doanh nghiệp thép phục hồi

Giá thép nguội cán nóng của Trung Quốc sau khi giảm vào giữa tháng 10 xuống 520 USD/tấn đã phục hồi trở lại hơn 570 USD/tấn. Giá HRC Trung Quốc tăng mạnh vào cuối tuần trước. Cụ thể, giá HRC SS400 trên sàn Thượng Hải chốt trưa ngày 7/12 ở mức 577 USD/tấn, tăng khoảng 14 USD/tấn so với giá ngày 6/12. Giá chào HRC nhập khẩu các loại tới Việt Nam hôm cuối tuần trước cũng tăng từ 5 -12 USD/tấn tùy đơn chào trong buổi sáng và khả năng còn tăng thêm, theo các nhà nhập khẩu của Việt Nam. Từ 24/10 đến nay, giá HRC đã tăng 13,5%.

Các doanh nghiệp thép cho biết, sau khi giá HRC giảm bởi các tác động từ xếp hạng của Moody’s, thị trường thép Trung Quốc đã nhanh chóng bật tăng trở lại. Điều này được cho là liên quan tới 3 yếu tố chính. Thứ nhất, số liệu tồn kho của các nhà máy chủ chốt cuối tháng 11 giảm mạnh hơn 15% so với giai đoạn giữa tháng 11. Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc tái khẳng định triển vọng phát triển kinh tế của nước này. Riêng với bất động sản, các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã bắt đầu các vòng đàm phán để đưa ra chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp. Thứ ba, Tập đoàn Vale SA nhà khai thác quặng lớn nhất Brazil, tiếp tục duy trì sản lượng quặng năm 2024 như năm 2023 đồng nghĩa với việc kiểm soát giá quặng là khó.

Ngoài ra, tin đồn về các chính sách mới sẽ có sau các cuộc họp kinh tế cấp cao cũng xuất hiện và thúc đẩy thị trường tăng giá. Chính vì thế, giá HRC đã bật tăng mạnh vào cuối tuần trước.

Trước xu hướng này, tại thị trường Việt Nam, giá HRC nội địa tăng trở lại. Trong tháng 12, ở thị trường trong nước giá bán thép nguội cán nóng (HRC) đã tăng 30 USD/tấn lên mức 600 USD/tấn, theo các nhà nhập khẩu và sản xuất. Điều này được củng cố thêm bởi ở hạ nguồn, giá ống, hộp tôn vẫn ghi nhận các thông báo tăng giá từ các nhà máy.

Trên thị trường ghi nhận, các doanh nghiệp thép đã tăng giá ít nhất 2 lần trong 1 tháng qua. Sản lượng tiêu thụ chung của ngành thép trong mấy tháng qua đã tăng trở lại so với cùng kỳ.

Theo các công ty chứng khoán, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tôn thép sẽ được cải thiện nhờ giá bán tăng và sản lượng bán hàng tăng lên.

Công ty chứng khoán SSI phân tích, tính chung cả hai tháng 10 và 11, tổng sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với thép xây dựng, HRC và phôi thép đạt 1,34 triệu tấn, tăng 44% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ mỗi tháng tăng 18% so với mức trung bình trong quý III/2023.

Trong tháng 11, HPG đạt sản lượng bán hàng HRC tương đương tháng trước với gần 270.000 tấn. Bán hàng thép cuộn cán nóng tại khu vực phía Bắc đạt kết quả khả quan, cụ thể là tăng 55% so với tháng 10. Ngoài ra, Tập đoàn còn cung cấp 37.000 tấn tôn mạ và 73.000 tấn ống thép các loại ra thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm hạ nguồn HRC này đạt mức tăng trưởng lần lượt 44% và 34% so với tháng trước.

Lũy kế 11 tháng, riêng với thép HRC, sản lượng bán hàng của HPG ghi nhận trên 2,5 triệu tấn, tăng 2% với cùng kỳ. Sản phẩm hạ nguồn HRC là tôn mạ đạt 304.000 tấn, tăng 2%.

Ngay trong quý III/2023 (là quý IV niên độ tài chính 2023) của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) biên lợi nhuận gộp cải thiện và ghi nhận chênh lệch tỷ giá đột biến. Công ty chứng khoán BSC cho biết, sản lượng tiêu thụ nội địa của HSG tăng đến từ việc các đại lý đẩy mạnh nhập hàng trong bối cảnh giá tôn mạ tăng trở lại vào tháng 8 và tháng 9. Biên lợi nhuận gộp tăng 3 điểm %, đến từ việc HSG hưởng lợi 1 phần giá vốn thấp trong tháng 6 - tháng 7.

Thời điểm này, giá HRC sau khi có nhịp giảm mạnh rất nhanh trong tháng 10 đã phục hồi trở lại cao hơn mặt bằng giá tháng 9. Dự báo biên lợi nhuận của HSG trong quý cuối năm 2023 (quý 1 năm tài chính 2024 ) sẽ tiếp tục tăng.

Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL) cũng cho biết, doanh thu và lợi nhuận quý III/2023 tăng hơn cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu là do đẩy mạnh chính sách bán hàng, giảm hàng tồn kho.

Không chỉ giá bán HRC và các sản phẩm tôn thép hạ nguồn tăng, giá bán lẻ thép xây dựng các loại trên thị trường cũng tiếp tục tăng. Từ ngày 17/11, Hòa Phát tăng 100.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn xây dựng tại thị trường miền Bắc, giá chưa bao gồm VAT.

Sang tháng 12, Hòa Phát đã 2 lần tăng giá. Ngày 11/12, Hòa Phát đã điều chỉnh tăng giá sản phẩm so với mức hiện tại với thép cây các loại (từ D12 trở lên) lên 150.000 đồng/tấn, thép cây D10 tăng 250.000 đồng/tấn tại thị trường miền Bắc.

Thu Hương
HPG

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục