Công ty công nghệ Checkpoint Technologies của Israel vừa có báo cáo cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành, đã xuất hiện một làn sóng tin tặc tấn công nhằm vào hệ thống máy chủ của các cơ quan y tế và các bệnh viện trên khắp thế giới.
Báo cáo của Checkpoint cho biết các cuộc tấn công chủ yếu sử dụng mã độc tống tiền Ryuk - một hình thức chiếm quyền máy tính hoặc hệ thống và đưa ra các yêu cầu đòi tiền chuộc.
Các virus tống tiền thường xâm nhập qua một đường link ẩn trong các thư điện tử, tin nhắn hoặc trang web nào đó. Làn sóng tấn công này bắt đầu từ cuối tháng 10/2020 và gia tăng mạnh mẽ trong 2 tháng gần đây.
Cụ thể, từ đầu tháng 11/2020, số lượng các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở y tế trên toàn thế giới tăng tới 45%, cao gấp 2 lần so với mức tăng của các vụ tin tặc trên mọi lĩnh vực trong cùng thời gian.
Tin tặc sử dụng tất cả các hình thức tấn công cơ bản, từ mã độc tống tiền, botnet (xâm nhập vào máy tính, nằm đợi lệnh tấn công), tới hình thức cổ điển DdoS (ngăn chặn sử dụng tài nguyên máy tính). Tuy nhiên, số vụ tấn công dùng mã độc tống tiền tăng mạnh nhất và chủ yếu nhằm vào các bệnh viện.
Việc này có thể gây hậu quả rất lớn, bởi gián đoạn hoạt động máy tính có thể gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân. Đây chính là chủ ý của giới tin tặc. Chúng cho rằng trong những tình huống như vậy, các cơ sở y tế có thể dễ dàng trả tiền chuộc nhanh hơn. Rất có thể, các yêu cầu này của chúng đã được đáp ứng trên thực tế, dẫn đến tình trạng gia tăng như trên.
Theo báo cáo của Checkpoint, các nước Trung Âu đứng đầu danh sách nạn nhân của các vụ tấn công, tăng tới 145% trong tháng 11/2020; tiếp đến là khu vực Đông Á với mức tăng 137%. Số vụ ở Mỹ Latinh, châu Âu và Bắc Mỹ tăng lần lượt ở các mức 112%, 67% và 37%.