Gia tăng áp lực minh bạch với doanh nghiệp bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quy định công bố thông tin bất thường, trong đó có quyết định xử phạt, bản án nếu được thông qua sẽ là áp lực không nhỏ với các công ty bảo hiểm.
Minh bạch thông tin sẽ giúp khách hàng hiểu rõ hơn về nhà bảo hiểm Minh bạch thông tin sẽ giúp khách hàng hiểu rõ hơn về nhà bảo hiểm

Phải công khai cả bản án, quyết định xử phạt

Mới đây, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã bổ sung yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải công khai thông tin một cách toàn diện, bao gồm thông tin định tính và định lượng theo định kỳ, thường xuyên và bất thường nhằm tăng cường tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh của thị trường.

Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải công khai thông tin định kỳ, gồm báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, báo cáo tài chính bán niên, báo cáo khả năng thanh toán và quản trị rủi ro; công khai thông tin thường xuyên như hồ sơ doanh nghiệp, hoạt động nghiệp vụ, quản trị doanh nghiệp.

Các thông tin mang tính bất thường cần công khai được quy định tại Điểm 6, 7, 8, 9 của Điều 107, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi phiên bản mới nhất gồm có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm; quyết định của tòa án về mở thủ tục phá sản doanh nghiệp; quyết định khởi tố đối với công ty, người quản lý của doanh nghiệp.

Các thông tin này phải công khai trên website của doanh nghiệp, trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn gửi báo cáo định kỳ, hoặc kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện liên quan tới các thông tin cần công khai.

11 năm gần đây, có 104 vụ án người mua bảo hiểm thắng kiện, chiếm tỷ lệ 72,22% vụ án trong lĩnh vực này được đưa ra xét xử.

Số liệu tổng hợp của Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam (VICS-CORP), được thống kê từ trang thông tin điện tử https://congbobanan.toaan.gov.vn của Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, trong 11 năm qua, có tới 144 bản án liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm.

Trong số này, có 85 bản án kinh doanh thương mại (giữa công ty bảo hiểm và tổ chức), 59 bản án dân sự (giữa công ty bảo hiểm và cá nhân). Đáng chú ý, có 104 vụ án mà người mua bảo hiểm thắng kiện (chiếm tỷ lệ 72,22%); 29 vụ án mà công ty bảo hiểm thắng kiện (chiếm tỷ lệ 20,13%); số vụ tuyên hủy xét xử lại 11 (chiếm 7,63%). Tổng số tiền người mua bảo hiểm yêu cầu công ty bảo hiểm chi trả là hơn 491 tỷ đồng;

Một số vụ tranh chấp lớn mà người mua bảo hiểm thắng kiện tiêu biểu có thể kể tới như, Tổng công ty Bảo hiểm PVI phải trả hơn 61 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Bibica; Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) phải trả hơn 54 tỷ đồng cho một công ty cổ phần vận tải biển và thương mại, hay PJICO phải trả hơn 21,843 tỷ đồng cho Công ty TNHH Vận tải biển Dân Xuân.

Bảo hiểm Bảo Việt, PTI, BIC lần lượt phải trả cho một công ty vật liệu về việc đòi bồi thường tổn thất 21.515,4 tấn clinker tại Nhà máy sản xuất clinker Quảng Phúc (Quảng Bình) ngày 30/9/2013 do cơn bão Wutip theo tỷ lệ đồng bảo hiểm, số tiền lần lượt là hơn 6 tỷ đồng, hơn 1,7 tỷ đồng và gần 860 triệu đồng.

MIC cũng phải chi trả 2,9 tỷ đồng cho một khách hàng doanh nghiệp ở Bắc Ninh về vụ cháy kho ở nơi này.

VICS-CORP cũng thống kê một số vụ án tranh chấp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà bên mua thắng kiện, như Bảo Việt Nhân thọ phải chi trả cho khách hàng tên Thủy Tr. số tiền là 300 triệu đồng, Prudential phải bồi thường cho khách hàng 148 triệu đồng...

Đây là số vụ tranh chấp bảo hiểm đã được giải quyết ở cấp tòa, đã có bản án có hiệu lực thi hành, con số thực tế chắc chắc sẽ lớn hơn rất nhiều. Bởi lẽ, còn những bản án chưa có hiệu lực thi hành và không được đương sự thỏa thuận công bố công khai.

Động lực để doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao quản trị

Ghi nhận phản ứng của các công ty bảo hiểm trước quy định mới về công bố thông tin tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, một số công ty bảo hiểm bày tỏ lo ngại về nghĩa vụ phải công khai quyết định xử phạt, bản án, quyết định của tòa án.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các công ty bảo hiểm gồm Manulife, AIA, Bảo Việt Nhân thọ, AIG, UIC, VBI, MSIG đã đề nghị Ban soạn thảo Luật bỏ quy định trên. Lý do là, chỉ có cơ quan có thẩm quyền xử phạt mới có quyền công bố công khai việc xử phạt hành chính...

Tổng giám đốc của một công ty bảo hiểm có trụ sở ở Hà Nội bày tỏ lo ngại, “tranh chấp bảo hiểm là chuyện xảy ra như cơm bữa trên thị trường, nên nếu bắt buộc phải công khai các thông tin này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà bảo hiểm”.

Vị này kiến nghị, “nên chăng cho phép các công ty bảo hiểm gửi hết thông tin về các bản án, vi phạm cho Bộ Tài chính, ai có nhu cầu thì tham khảo”.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, lâu nay, các công ty bảo hiểm đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (BMI, VNR, PTI, PGI, PVI Re, MIC, BIC) đã tuân thủ quy định về công bố thông tin bất thường, trong đó có thông tin về các vụ án. Trong khi các công ty cổ phần chưa niêm yết, công ty hoạt động dưới hình thức trách nhiệm hữu hạn không thuộc đối tượng này. Quy định mới nếu được thông qua sẽ buộc tất cả các công ty bảo hiểm chịu áp lực minh bạch thông tin như nhau, từ đó sẽ phải chịu áp lực về đánh giá, so sánh nhiều hơn từ các cơ quan nhà nước, đối tác, khách hàng.

Ủng hộ quy định mới về công khai thông tin, ông Vũ Văn Thắng, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm PVI cho rằng: “Một doanh nghiệp phát triển đàng hoàng thì không có gì phải che giấu, thậm chí còn muốn minh bạch, bộc lộ mình nhiều hơn”.

Coi đây là cơ hội để doanh nghiệp bảo hiểm chứng minh năng lực tài chính, khả năng cung cấp dịch vụ của mình, bà Thân Hiền Anh, Chủ tịch Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ trong lần trả lời cơ quan truyền thông mới đây cho rằng, “quy định công khai minh bạch thông tin cũng là áp lực để doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thiện hơn nữa cơ chế quản trị”.

Theo Bộ Tài chính, dẫu quy định mới có khiến doanh nghiệp bảo hiểm chịu áp lực thay đổi, nhưng điều này mang lại nhiều ý nghĩa. Người dân sẽ được cập nhật thông tin về quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm thường xuyên, liên tục hơn, nhưng sẽ giúp các công ty bảo hiểm nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ minh bạch theo các chuẩn mực quốc tế.

Quy định về công khai thông tin trên thế giới

Theo nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội Các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế, công ty bảo hiểm phải công bố thông tin liên quan và toàn diện kịp thời cho các bên tham gia hợp đồng và các bên tham gia thị trường biết, để có cái nhìn rõ về hoạt động kinh doanh, rủi ro, kết quả hoạt động và tình hình tài chính của công ty bảo hiểm.

Luật Bảo hiểm tại Đài Loan (Trung Quốc) quy định công ty bảo hiểm phải công khai các thông tin về hợp đồng bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm... lên website của công ty.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục