Gia nhập đường đua xanh hoá

(ĐTCK) Để thích ứng với xu hướng chuyển đổi xanh toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững quốc tế ngày càng được nâng cao.
Các chuyên gia nhận định, các tiêu chuẩn quốc tế là động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi xanh

Thúc đẩy sự phát triển bền vững

Trong khuôn khổ lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) và Forvis Mazars Việt Nam tại Hà Nội ngày 3/12/2024 đã diễn ra phiên thảo luận về chuyển đổi xanh và tác động tới lĩnh vực tài chính, với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế và hiệp hội. Các chuyên gia nhận định, các tiêu chuẩn quốc tế là động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi xanh, nhưng có thách thức lớn trong việc tích hợp vào chiến lược kinh doanh.

“Chuyển đổi xanh chịu tác động bởi hai yếu tố chính: kết quả kinh doanh và các quy định bắt buộc tuân thủ tiêu chuẩn xanh,” ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc quốc gia ACCA Việt Nam nói.

Ông Hưng cho biết, từ lâu, ACCA đã phối hợp cùng Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đánh giá các sáng kiến bền vững của doanh nghiệp niêm yết. Trong những năm gần đây, số lượng công ty công bố báo cáo bền vững chuyên biệt tăng đáng kể, riêng năm 2024 tăng 33%. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn ra trong các năm tới. Thông qua nghiên cứu và đối thoại, ACCA nhận thấy, các quy định của Việt Nam ngày càng đồng bộ với xu hướng toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu.

“Chúng tôi hy vọng, các quy định sắp tới sẽ là chất xúc tác cho doanh nghiệp Việt Nam song hành với các tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp tham gia sáng kiến bền vững đang dần được công nhận và cải thiện hiệu quả kinh doanh. Nghiên cứu toàn cầu từ 134 báo cáo khoa học cũng chỉ ra rằng, 78% báo cáo khẳng định mối liên hệ giữa phát triển bền vững hiệu quả và kết quả kinh doanh vượt trội,” ông Hưng chia sẻ.

Giám đốc quốc gia ACCA Việt Nam cho hay, sắp tới sẽ hợp tác với HOSE phân tích dữ liệu của các công ty niêm yết trong 10 năm qua, nhằm làm rõ mối quan hệ giữa phát triển bền vững và hiệu quả kinh doanh, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

ACCA cũng đã phân tích xu hướng toàn cầu về công việc liên quan đến công việc xanh (green jobs). Kể từ năm 2015, số lượng công việc xanh tăng 58%, cho thấy mức độ phổ biến ngày càng cao. Tuy nhiên, tỷ lệ nhân sự có kỹ năng xanh vẫn còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 13%.

Tại Việt Nam, theo dự báo, đến năm 2025, ngành chuyển đổi số sẽ thiếu tới 500.000 nhân sự, trong khi chương trình đào tạo về chuyển đổi xanh tại nhiều trường đại học chưa được chú trọng.

Theo báo cáo của ACCA năm 2023, trong hơn 3.000 công việc liên quan đến chuyển đổi xanh toàn cầu, 95% gắn liền với các lĩnh vực tài chính, kế toán và kiểm toán. Số liệu cho thấy vai trò quan trọng của những lĩnh vực này trong hành trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững toàn cầu.

Hiện tại, ACCA chuẩn bị ra mắt chứng chỉ bền vững chuyên nghiệp, tương đương cấp độ 6 trong Khung trình độ Quốc gia Anh và tương đương với bằng cử nhân.

“Chứng chỉ này sẽ được triển khai tại 180 quốc gia vào cuối năm 2024, hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng kế toán, kiểm toán và tài chính hướng tới phát triển bền vững,” đại diện ACCA nhấn mạnh.

Chuyển đổi xanh mở ra những cơ hội lớn

ACCA chuẩn bị ra mắt chứng chỉ bền vững chuyên nghiệp, tương đương cấp độ 6 trong Khung trình độ Quốc gia Anh và tương đương với bằng cử nhân nhằm góp phần thúc đẩy cộng đồng kế toán, kiểm toán và tài chính hướng tới phát triển bền vững.

Ông Tô Quốc Hưng - Giám đốc quốc gia ACCA Việt Nam

Ông Nguyễn Hải Minh, Chủ tịch Forvis Mazars Việt Nam và lãnh đạo cấp cao của nhiều hiệp hội cho rằng, để thúc đẩy phát triển bền vững, doanh nghiệp cần hiểu và tuân thủ các quy định về bền vững. Việc đồng bộ với các tiêu chuẩn toàn cầu và thực tiễn tốt nhất là yếu tố cốt lõi cho thành công.

“Việc gắn nhãn xanh cho các hoạt động kinh doanh không thể phản ánh đầy đủ bản chất của quá trình chuyển đổi này. Thay vào đó, EU đã ban hành nhiều quy định và tiêu chuẩn mới nhằm khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình phát triển bền vững. Các khuôn khổ quốc tế như GRI, TCFD, UNSDGs, IFRS S1&S2 đóng vai trò nền tảng quan trọng, không chỉ giúp doanh nghiệp tự nguyện thực hiện, mà còn nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh”, ông Minh giải thích.

Đáng chú ý, các hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam đã tích hợp các cam kết phát triển bền vững, bao gồm yêu cầu cụ thể về báo cáo chuỗi cung ứng và trách nhiệm giải trình như Chỉ thị báo cáo bền vững doanh nghiệp (CSRD). Thêm vào đó, các quy định nghiêm ngặt như các biện pháp chống phá rừng và Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) dù đặt ra thách thức nhưng cũng tạo động lực để các nhà xuất khẩu Việt Nam thích ứng và cải thiện chuỗi sản xuất.

“Đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng năng lượng xanh, tăng cường lợi thế cạnh tranh và nâng cao vị thế trên thị trường toàn cầu. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh luận về chi phí và nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn này, mục tiêu tổng thể của EU là thúc đẩy các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và bền vững, góp phần xây dựng một nền kinh tế công bằng và lâu dài trên toàn cầu”, ông Minh nói.

“Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần hội tụ 4 yếu tố quan trọng: chuyên môn kỹ thuật, động lực, chiến lược phát triển rõ ràng, khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư cả trong ngắn hạn và dài hạn”, ông Minh nói thêm.

Trong khi đó, bà Lăng Trịnh Mai Hương, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Kiểm toán Nhà nước lưu ý, việc tích hợp yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) là nhân tố cốt lõi cho các doanh nghiệp muốn mở rộng ra thị trường quốc tế. ESG không chỉ là khung pháp lý, mà còn là sự thay đổi tư duy và chiến lược dài hạn.

“Ở châu Âu, EU yêu cầu các tổ chức tài chính chỉ cung cấp vốn hoặc cho vay với các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí ESG. Các sản phẩm tài chính mới như trái phiếu xanh hay khoản vay liên kết bền vững đang thúc đẩy doanh nghiệp giảm phát thải và cải thiện tác động môi trường”, bà Hương cho biết.

“Điểm mấu chốt là doanh nghiệp cần nhận thức rõ chi phí và lợi ích của việc áp dụng ESG. Nếu không chứng minh được giá trị cụ thể, họ có thể đối mặt với rủi ro mất cơ hội hoặc gặp khó khăn,” bà Hương nói và nhận xét, ESG không chỉ dừng lại ở sự tuân thủ, mà còn là cách doanh nghiệp tái định hình chiến lược dài hạn.

Ông Nguyễn Tùng Anh, Phó chủ tịch Ủy ban Tài chính bền vững, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khuyến nghị, hiện nay có rất nhiều quy định về phát triển bền vững, các doanh nghiệp không chỉ cố gắng tuân thủ các quy định này, mà còn phải chủ động trong việc xây dựng nội lực liên quan.

“Trong quá trình chuyển đổi xanh, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với hai loại rủi ro chính. Thứ nhất là rủi ro vật lý, như sự thay đổi bất thường của thời tiết, bão lũ và các hiện tượng khí hậu cực đoan, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thứ hai là rủi ro chuyển đổi, xuất phát từ yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Khi các đối tác xuất khẩu, đặc biệt là EU, áp dụng tiêu chuẩn bền vững cao hơn, các doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động theo cách truyền thống, mà phải thay đổi. Điều này đồng nghĩa với việc phát sinh thêm chi phí và áp lực tuân thủ, nhưng lại là yếu tố cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường”, đại diện Euro cham nói.

Tất nhiên, chuyển đổi xanh mở ra những cơ hội lớn, đặc biệt trong việc tiếp cận các nguồn vốn tài chính xanh. Những doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế đã nhận được các khoản tài trợ hoặc tín dụng ưu đãi.

Không chỉ các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, quản lý nước hay tái chế, mà ngay cả những ngành “nâu” như thép, xi măng, hóa chất cũng có cơ hội hưởng lợi từ chuyển đổi xanh khi việc giảm phát thải mang lại giá trị môi trường lớn. Các sản phẩm tài chính như khoản vay hay trái phiếu liên kết bền vững đang được thiết kế riêng cho các doanh nghiệp chuyển đổi từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh.

Theo BIDV, các gói tín dụng xanh đang được Ngân hàng đẩy mạnh triển khai nhằm giúp các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may nâng cấp công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe.

“Chúng tôi cũng phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để hoàn thiện các khung tài trợ thương mại, đảm bảo các doanh nghiệp nhập khẩu thông qua nguồn vốn của ADB đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Sáng kiến này nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu”, đại diện BIDV nói.

Vy Vy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục