Với biên độ dao động 40% trong ngày đầu giao dịch, giá cổ hiếu VGG sẽ dao động trong khoảng từ 24.000 đồng/CP đến 56.000 đồng/CP.
Hoạt động kinh doanh của May Việt Tiến tập trung vào hàng may mặc và gia công các loại quần áo may sẵn. Với 6 thương hiệu sẵn có, sản phẩm của Việt Tiến trải dài trên cả 3 phân khúc cho người thu nhập cao, trung bình và trung bình thấp.
Tại thị trường trong nước, Việt Tiến đứng đầu hệ thống phân phối tại khắp các tỉnh, thành cả nước. Với thị trường xuất khẩu, May Việt Tiến đã có khách hàng tại 30 quốc gia và duy trì hoạt động ổn định tại các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Tây Âu và các nước ASEAN khác.
Tại thời điểm chốt danh sách cổ đông niêm yết, cổ đông lớn nhất của May Việt Tiến vẫn là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nắm giữ 47,88%, hai cổ đông ngoại là Tung Shing Sewing Machine (Hong Kong, nắm 9,94%) và South Island Garment SDN.BHD nắm giữ 14,16%. Chủ tịch HĐQT của May Việt Tiến là ông Vũ Đức Giang, hiện đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.
EPS 6.145 đồng/CP
Năm 2015, doanh thu bán hàng của May Việt Tiến đạt hơn 6.400 tỷ đồng, tăng gần 17% so với năm trước đó; lợi nhuận sau thuế đạt 330,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,74% so với năm trước. Theo công bố trong báo cáo tài chính hợp nhất, EPS năm 2015 của May Việt Tiến đạt 9.218 đồng/CP trong khi năm 2014 đạt 8.808 đồng/CP.
May Việt Tiến có vốn điều lệ 280 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 1/2/2016, Công ty đã chuyển 1,4 triệu trái phiếu chuyển đổi thành 14 triệu cổ phần với giá chuyển đổi 10.000 đồng/CP. Đây là số trái phiếu May Việt Tiến đã phát hành vào năm 2013 với lãi suất 5%/năm và đáo hạn vào năm 2016.
Sau khi chuyển đổi trái phiếu và tiến hành thay đổi Giấy chứng nhận kinh doanh, vốn điều lệ của May Việt Tiến sẽ tăng lên 420 tỷ đồng và Công ty sẽ thực hiện đăng ký bổ sung toàn bộ lượng cổ phiếu chuyển đổi giao dịch trên sàn UPCoM. Nếu như vậy, EPS sau pha loãng của doanh nghiệp này sẽ chỉ còn 6.145 đồng/CP.
Với giá chuyển đổi 10.000 đồng/CP, chỉ bằng 1/4 so với mức giá tham chiếu ngày đầu chào sàn, áp lực chốt lời khi số cổ phiếu này được giao dịch sẽ rất lớn.
Tổng tài sản của May Việt Tiến tại thời điểm 31/12/2015 đạt hơn 3.378 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền đạt 432 tỷ đồng, tăng 154 tỷ đồng so với đầu năm 2015. Trong năm, May Việt Tiến trích lập hơn 49 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng phúc lợi, nâng quỹ này lên tới 207,7 tỷ đồng, bằng 74% vốn điều lệ hiện tại. Trong điều lệ của May Việt Tiến, hàng năm Công ty trích quỹ khen thưởng phúc lợi tối thiểu 15%, đây là con số khá cao.
Quỹ đầu tư phát triển của Việt Tiến cũng lên tới 370 tỷ đồng, bằng 132% vốn điều lệ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 đạt 243 tỷ đồng. May Việt Tiến chưa tăng vốn kể từ năm 2011, trong 2 năm 2013 và 2014, Công ty này duy trì mức cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 30%.
Kế hoạch 2016 khiêm tốn
Mặc dù đạt kết quả khả quan năm 2015, May Việt Tiến vẫn đặt kế hoạch khá khiêm tốn cho năm 2016, với mục tiêu doanh thu 6.300 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, giảm 14,89% so với kế hoạch năm 2015; cổ tức tối thiểu 20%.
Theo quan điểm của đơn vị tư vấn là Công ty chứng khoán ACBS, kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2016 giảm so với 2015 là do năm 2016, Tổng công ty điều chỉnh cách tính phí bảo hiểm xã hội theo quy định mới, làm tăng chi phí khoảng 50 tỷ đồng và việc chuyển đổi 140 tỷ đồng trái phiếu thành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 420 tỷ đồng sẽ làm cho EPS trong năm 2016 giảm đáng kể.
Mặc dù vậy, so với các cổ phiếu dệt may đang niêm yết trên sàn đều đang có giá khoảng 30.000 đồng/CP như TCM, EVE, STK, TNG… Việt Tiến lên sàn sẽ trở thành doanh nghiệp dệt may lớn nhất cả về quy mô, vốn hóa cũng như vượt trội về các chỉ số tài chính.