Nguồn cung cạn dần
Giá khí đốt tại châu Âu hiện cao hơn 3,5 lần, tại Mỹ có mức tăng gấp đôi so với đầu năm 2021, còn tại châu Á có mức tăng 2,8 lần so với cuối tháng 1/2021. Giá điện cũng tăng do nhiều nhà máy phát điện sử dụng khí tự nhiên. Theo đó, cổ phiếu của các công ty sản xuất khí tự nhiên và công ty năng lượng thuộc nhóm tăng giá mạnh nhất trong chỉ số S&P 500.
Giá khí tăng vọt trong bối cảnh nhu cầu gia tăng vì các nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong khi số lượng giàn khoan khí tự nhiên về cơ bản không đổi kể từ đầu năm nay.
Đặc biệt, nguồn cung dần cạn kiệt do một loạt hiện tượng thời tiết cực đoan như cơn bão Ida cuối tháng 8 khiến gần như tất cả cơ sở sản xuất khí đốt ở Vịnh Mexico phải đóng cửa. Tình trạng thâm hụt nguồn cung khí tự nhiên diễn ra nghiêm trọng nhất ở châu Âu, nơi tồn kho còn rất ít do thời tiết nắng nóng, sản lượng điện gió thấp và nhập khẩu từ Nga giảm.
Phân bón hỗn loạn, thực phẩm lao đao
Khí tự nhiên dùng để sưởi ấm nhà, sản xuất điện, nhựa, thép, xi măng, phân bón…, nên giá khí tăng cao ảnh hưởng nhiều đối tượng, nhất là ngành công nghiệp phân bón.
Amoni nitrat, một trong những hợp chất hóa học được sử dụng phổ biến nhất trong ngành sản xuất phân bón toàn cầu, có nguồn gốc từ khí tự nhiên, việc giá của loại nhiên liệu này tăng nhanh vượt qua mọi dự báo khiến hai nhà máy phân bón lớn tại Anh buộc phải tạm ngừng sản xuất.
Trong khi đó, hai trong số các nhà máy sản xuất phân bón lớn nhất thế giới cho biết, họ sẽ giảm sản lượng ở châu Âu. Giới phân tích nhận xét, ngành phân bón của Anh đang đối mặt với một “cơn bão” tồi tệ được tạo ra bởi đà tăng kỷ lục của giá khí đốt trên thế giới.
Ngành thực phẩm cũng lao đao bởi tình trạng thiếu CO2 do một số nhà máy phân bón ngừng sản xuất. CO2 được sử dụng trong việc đóng gói chân không các sản phẩm thực phẩm nhằm kéo dài thời hạn sử dụng, gây choáng cho động vật trước khi giết mổ và để tạo bọt khí trong nước giải khát và bia.
Thép và xi măng gặp khó khăn
Theo ông Gareth Stace, Giám đốc UK Steel của Anh, giá khí đốt tăng mạnh trong vài tuần qua buộc một số nhà máy thép phải ngừng hoạt động.
British Steel, hãng sản xuất thép lớn thứ hai ở Anh cho biết, với đà tăng giá “khủng khiếp” của khí đốt, họ không thể có lợi nhuận.
Thyssenkrupp AG của Đức, hãng sản xuất thép lớn thứ hai ở châu Âu cho hay, họ có cơ chế bảo vệ khỏi đà tăng giá của năng lượng, đặc biệt là khí đốt, nhưng gián tiếp bị ảnh hưởng vì khí công nghiệp được sử dụng có liên quan đến giá điện.
Cũng tại Đức, HeidelbergCement AG, nhà sản xuất xi măng lớn thứ hai thế giới bày tỏ lo ngại, giá năng lượng tăng đang đẩy chi phí sản xuất lên cao.
Ở Trung Quốc, một số nhà máy sản xuất thép, gốm và thủy tinh tại tỉnh Hà Bắc phải giảm công suất để tránh thua lỗ. Tình hình diễn ra tương tự tại tỉnh Vân Nam đối với ngành phân bón, xi măng, hóa chất và nhôm, do thiếu năng lượng.
Tìm nhiên liệu thay thế
Để chống chọi với “bão giá” khí đốt, nhiều ngành công nghiệp sử dụng năng lượng này cũng như các công ty điện ở châu Á và Trung Đông tạm thời chuyển sang sử dụng dầu nhiên liệu, dầu thô, naphtha, than. Xu hướng này được dự báo sẽ kéo dài cho tới đầu năm 2021.
Tại châu Âu, nhu cầu sử dụng than làm nguồn phát điện thay thế cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, sự lựa chọn để chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế tại lục địa già rất hạn chế, vì chính phủ có chính sách khuyến khích sử dụng khí đốt, thay vì các nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường như than.
Theo Paul Pearcy, điều phối viên tại Hiệp hội British Glass, ngành sản xuất thủy tinh trước đây hoạt động bằng dầu nhiên liệu, nhưng hầu hết nhà máy ở Anh giờ đã chuyển sang khí đốt.
Các nước đang tìm cách bổ sung nguồn cung khí đốt nhằm đáp ứng nhu cầu cũng như giúp giá hạ nhiệt. Nguồn cung từ Nga được dự báo tăng lên vào cuối năm nay khi đường ống dẫn khí Nord Stream 2 đi vào hoạt động, hiện đang chờ cơ quan quản lý năng lượng của Đức phê duyệt.