Giá điện tiếp tục tăng 4,5% từ ngày 9/11

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi điều chỉnh tăng 3% vào ngày 4/5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa quyết định tăng tiếp 4,5% giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng từ ngày 9/11/2023. 
Sau 2 lần tăng giá, từ đầu năm 2023 đến nay giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 7,5% (ảnh minh họa) Sau 2 lần tăng giá, từ đầu năm 2023 đến nay giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 7,5% (ảnh minh họa)

Tại cuộc họp trao đổi thông tin về điều chỉnh giá điện do EVN tổ chức chiều ngày 9/11, đơn vị này cho biết, mức điều chỉnh tăng như trên thuộc thẩm quyền EVN, căn cứ theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và văn bản số 915/BCT-ĐTĐL ngày 8/11/2023 của Bộ Công thương.

Theo tính toán, chi phí sản xuất điện năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh.

Để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, mức tăng giá điện lần này được chọn là 4,5%.

Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn giữ nguyên cách tính lũy tiến 6 bậc, với đơn giá từ bậc 1 đến bậc 6 là 1.806 đồng/kWh đến 3.151 đồng/kWh.

Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, EVN đã hai lần tăng giá bán lẻ điện bình quân, tổng mức tăng là 7,5%, tương đương giá trị tăng thêm là hơn 142,35 đồng/kWh.

Theo EVN, với lần điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 4/5, doanh thu của EVN năm 2023 tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính và EVN vẫn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính.

Mới đây, theo Kết luận của Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024, Thường trực Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trước đó, tháng 3/2023, Bộ Công thương đã họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN. Kết quả cho thấy, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là trên 419.031 tỷ đồng; năm 2022 là trên 493.265 tỷ đồng.

Trong một diễn biến liên quan, vào tháng 9/2023, Bộ Công thương đã có tờ trình gửi Thủ tướng về dự thảo quyết định thay thế quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Trong báo cáo này, Bộ Công Thương đã giải trình với các bộ ngành về nội dung sửa đổi được đưa ra trong dự thảo quyết định thay thế quyết định 24 sau khi các bộ ngành đóng góp ý kiến.

Dự thảo được trình Thủ tướng cơ bản vẫn giữ nguyên các đề xuất trước đó. Đáng chú ý, EVN đề xuất đưa các khoản lỗ, chênh lệch tỉ giá chưa được phân bổ vào các chi phí khác trong công thức tính giá điện.

Ngoài ra, EVN cũng đề xuất giá điện có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm, tránh giật cục. Cụ thể, chu kỳ điều chỉnh sẽ rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng, mỗi lần điều chỉnh ở mức dưới 5% để EVN được tự quyết định tăng hoặc giảm giá điện ở mức này.

Khi thẩm định dự thảo này, liên quan đến đề xuất giao EVN thực hiện tăng giá điện từ 3-5%, Bộ Tư pháp đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công thương cần phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, đảm bảo đúng quy định tại Luật Giá và Luật Điện lực.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Công thương làm rõ mối liên hệ giữa chi phí khâu phát điện của năm tính toán theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện ảnh hưởng thế nào tới tổng chi phí mua điện...

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục