"Giá điện hợp lý là mức giá người dân và doanh nghiệp sẵn lòng trả để có điện sạch"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cho rằng tăng giá điện là điều tất yếu trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng từ dạng hoá thạch sang tái tạo, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhận định, cần xây dựng giá điện hợp lý - là mức giá mà người tiêu dùng sẵn lòng trả để có điện sạch.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: M.Minh) GS.TS Hoàng Xuân Cơ phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: M.Minh)

Gỡ vướng cho giá điện tái tạo

Tại Diễn đàn "Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam" do Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức chiều 20/9, trong khi bàn về những thách thức trong chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, nhiều chuyên gia đã nêu ý kiến bàn luận về cơ chế tính giá điện tái tạo hiện nay.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nêu quan điểm, thay thế điện than bằng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, năng lượng sạch, không carbon là xu hướng tất yếu của thế giới mà Việt Nam phải đi theo.

Theo ông Cơ, hiện giá thành phát điện từ năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) còn cao nên Chính phủ đã có những chính sách rất cụ thể và hiệu quả.

Ngoài ra, Chính phủ đã hỗ trợ kinh phí khá cao cho giá bán điện gió, điện mặt trời để các doanh nghiệp có thể hoạt động lâu dài.

Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia như ông Cơ quan tâm là khi chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu điều tra nghiên cứu cơ bản, chưa sản xuất được thiết bị phát điện gió, điện mặt trời, thiết bị chuyển đổi và nối lưới làm tăng giá thành sản xuất điện; thiếu cơ sở khoa học để đưa ra mức giá mua điện gió, điện mặt trời như trong các văn bản đã quyết định.

"Thực tế, nếu có nghiên cứu bài bản thì có thể tính được giá thành phát triển điện gió, điện mặt trời cho một dự án ở một khu vực cụ thể. Ví dụ, các chi phí mua turbin hay pin mặt trời có thể tham khảo từ nhiều nguồn. Các chi phí vận chuyển, lắp đặt, vận hành cũng có thể ước tính; trong đó, mức điện năng sản xuất có thể ước tính qua mô hình", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Khi áp dụng phương pháp chi phí - lợi ích có thể tính được hiệu quả kinh tế của dự án qua các giá trị NPV (giá trị ròng hiện tại), IRR (tỷ số hoàn vốn nội tại) hay tỷ số chi phí-lợi ích (B/C), từ đó ước tính được giá thành và xác định mức trợ giá phù hợp đảm bảo dự án có lợi nhuận nhưng giá mua ở mức hợp lý cho người tiêu thụ điện cuối cùng.

“Có lẽ nhận ra điều này nên Thủ tướng đã có phát biểu: Các nhà đầu tư điện tái tạo đang có lãi lớn, trong khi Nhà nước, người dân Việt Nam phải chịu giá điện cao; đồng thời Thủ tướng yêu cầu phải xem xét lại giá điện, đàm phán lại các dự án điện gió đã triển khai, tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả...", ông Cơ nói thêm.

Diễn đàn "Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam" chiều 20/9 thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp...

Diễn đàn "Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam" chiều 20/9 thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp...

Từ đó, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đề nghị, các cơ quan quản lý, các tổ chức và cộng đồng cần nhận thức rõ vấn đề giá điện như trên để có hành động hỗ trợ phát triển điện gió và điện mặt trời, từng bước thay thế điện than trong tương lai.

Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công thương sớm đưa ra lộ trình tăng giá bán điện cho người tiêu dùng trên cơ sở tăng mua điện gió, điện mặt trời trong giai đoạn tới, trước mắt là đến năm 2030, sau đó là xa hơn.

"Nên có dự án tính toán giá thành điện gió và điện mặt trời ở những khu vực có tiềm năng, tìm ra khoảng giá trị từ đó ước tính và đề xuất Chính phủ định mức hỗ trợ (qua giá mua điện) hợp lý hơn”, ông Cơ đề xuất.

Về phía người dân và doanh nghiệp, vị chuyên gia đề nghị sớm có phương án điều chỉnh mức sử dụng điện hợp lý và hiệu quả (theo hướng tiết kiệm). Nếu giá điện tăng thì người dân và doanh nghiệp cần xác định giá điện hợp lý là mức mà mình “sẵn lòng trả” để có điện sạch cho sản xuất và tiêu dùng.

Ngoài ra, theo vị này, khi chuyển sang điện xanh, việc tăng giá điện sẽ không tránh khỏi, nhưng cũng phải xem xét lộ trình để tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động kinh tế và đời sống của nhân dân.

"Nút thắt" giá điện chưa được cởi, dự án điện khí LNG sẽ còn ì ạch

Cùng bàn về "điểm nghẽn" giá điện, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính nêu một điểm bất cập trong phát triển điện khí LNG hiện nay.

Dẫn chiếu Quy hoạch điện VIII vừa được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 5/2023, ông Long nói rằng, điện khí LNG là nguồn điện được dự kiến chiếm hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030.

Nguồn cung và giá khí LNG nước ta vẫn đang hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu; song hiện tại chưa có khung giá phát điện của các dự án điện khí LNG, nên EVN cũng chưa biết đàm phán mức giá mua khí LNG bao nhiêu là hợp lý.

PGS.TS Ngô Trí Long: "Bộ Công thương hiện tại vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG" - Ảnh: M.Minh

PGS.TS Ngô Trí Long: "Bộ Công thương hiện tại vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG" - Ảnh: M.Minh

"Trong khi giá LNG thế giới có lúc tới 30 USD/triệu BTU; như vậy giá mua điện từ nguồn điện khí LNG sẽ cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện mà EVN bán ra cho nền kinh tế", ông Long nêu vấn đề và kết luận, nếu không giải quyết tốt bài toán chi phí – lợi nhuận – giá thành thì EVN khó đàm phán mua điện.

"Với bối cảnh khó khăn về tài chính hiện tại, EVN gặp khó trong việc mua điện giá cao để bán với giá thấp, có thể gây ra lỗ càng thêm lỗ", vị chuyên gia nói thêm.

Về phía doanh nghiệp, vị này cho rằng, do Bộ Công thương hiện tại vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG nên các nhà đầu tư rất lo hiệu quả của dự án do EVN cam kết bao tiêu sản lượng điện khí hàng năm.

"Nếu không tháo gỡ được nút thắt lớn nhất là giá điện LNG thì các dự án điện khí được dự báo sẽ còn ì ạch. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc cung ứng điện trong tương lai”, ông Long nói.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước 150.489 MW (không bao gồm xuất khẩu, điện mặt trời mái nhà hiện hữu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới).

Trong đó, điện gió trên bờ 21.880 MW (chiếm 14,5% tổng công suất các nhà máy điện), điện gió ngoài khơi 6.000 MW (4,0%), điện mặt trời 12.836 MW (8,5%); điện sinh khối, điện sản xuất từ rác 2.270 MW (1,5%); nhiệt điện than 30.127 MW (20,0%); Thủy điện 29.346 MW (19,5%); Nhiệt điện khí trong nước 14.930 MW (9,9%); Nhiệt điện LNG 22.400 MW (14,9%)...

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục