Những giải pháp giúp doanh nghiệp bước đi trên con đường "màu xanh"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã cam kết đưa khí phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, doanh nghiệp Việt ngày càng có nhận thức rõ ràng hơn về xu hướng phát triển xanh, giảm phát thải ròng, hướng tới phát triển bền vững.

Giải pháp tăng trưởng xanh

Chia sẻ tại hội thảo “Doanh nghiệp xanh, đồng hành và phát triển bền vững” tổ chức ngày 29/8, ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Intech Energy cho biết, trái đất đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những tác động về môi trường do con người gây ra. Phát triển xanh nằm trong xu thế của thế giới, nhằm giảm phát thải khí CO2 ra môi trường, Intech Energy chọn phát triển năng lượng xanh, với mục tiêu kép gồm tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất.

Ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Intech Energy chia sẻ phát triển xanh là xu hướng tất yếu.

Ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Intech Energy chia sẻ phát triển xanh là xu hướng tất yếu.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp ý thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của phát triển bền vững. Vậy giải pháp để tăng trưởng xanh là gì?

Theo ông Trần Văn Nhơn, Tổng giám đốc Intech Energy, giải pháp đầu tiên cần phải chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… Điều kiện thời tiết ở Việt Nam rất phù hợp để phát triển điện gió và điện mặt trời. Giải pháp thứ hai là cần nâng cao hiệu suất năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả và áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, phát triển. Giải pháp thứ ba là vận chuyển xanh, sử dụng các phương tiện công cộng như tàu điện, xe bus, xe điện… góp phần giảm thải khí CO2 ra môi trường.

Ngoài ra, cần có công nghệ loại bỏ khí nhà kính. Tuy nhiên, để thực hiện các giải pháp, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ của các chính sách, phát triển hạ tầng, và sự tham của cộng đồng doanh nghiệp góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp.

“Con đường phát triển xanh là con đường khó nhưng chúng tôi kiên tâm theo đuổi vào hành trình mình lựa chọn, bởi chúng tôi biết cuộc sống không chỉ có nhận mà còn phải biết cho đi. Vì một tương lai xanh, vì một môi trường xanh, chúng ta phải hành động ngay, không còn nhiều thời gian”, ông Nhơn nhấn mạnh.

Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến phát triển xanh gắn với bền vững, hiện thực hóa mục tiêu của Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ảnh H.Y

Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến phát triển xanh gắn với bền vững, hiện thực hóa mục tiêu của Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ảnh H.Y

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Mạnh Linh, Giám đốc Công ty LYTH cho biết, trách nhiệm doanh nghiệp phát triển bền vững là phải giảm phát thải, nhưng giảm bao nhiêu và phát thải ở đâu là điều doanh nghiệp cần phải biết. Do đó, doanh nghiệp cần kiểm kê khí nhà kính, có đánh giá, đưa ra kế hoạch mục tiêu giảm phát thải, có chiến lược giảm, có tín chỉ năng lượng tái tạo...

“Doanh nghiệp phải biết nút thắt của mình ở đâu để xây dựng mục tiêu và đưa ra các phương pháp giảm phát thải theo đúng kế hoạch đề ra”, ông Linh nhận định.

Đồng thời, ông Linh nhấn mạnh thêm, các yếu tố hội tụ đủ để trở thành một doanh nghiệp xanh cần phải đảm bảo yếu tố giảm phát thải, phát triển cộng đồng bền vững, thay đổi mô hình sản xuất tuyến tính sang tuần hoàn. Để phát triển xanh thực sự, doanh nghiệp cần chia sẻ lợi nhuận để bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò then chốt trong đóng góp phát triển tăng trưởng xanh. Hiện rất nhiều doanh nghiệp lớn đã có chiến lược giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng, tạo cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.

Đi ra toàn cầu bằng phát triển xanh

Theo ông Lê Mạnh Linh, Giám đốc LYTH, việc đánh thuế carbon sẽ làm tăng thêm giá cả hàng hóa xuất khẩu vào châu Âu từ 10-12%, hàng hóa sẽ mất đi sự cạnh tranh không thể phát triển bền vững. Doanh nghiệp xuất khẩu cần sớm chuyển đổi sử dụng sang năng lượng xanh, sử dụng các loại nguyên liệu thực vật, máy móc sử dụng nguyên liệu khí đốt sang sử dụng điện…

Dự kiến tháng 10/2023, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Nhà nhập khẩu được yêu cầu tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và không chịu phí thuế carbon. Đến tháng 1/2026, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon bắt đầu được dần dần đưa vào song song với việc loại bỏ dần hạn ngạch miễn phí của EU ETS (thị trường mua bán khí phát thải của Liên minh châu Âu).

Phát triển năng lượng tái tạo, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề khi tấm quang điện hết vòng đời, sẽ xử lý như thế nào? Ông Trần Khắc Thân, Đại diện thị trường Việt Nam Công ty Jolywood cho hay, tấm quang điện trên 90% là thành phần tái chế như khung nhôm, kính, dây đồng, nhựa, bạc… Thực tế tấm quang điện hết vòng đời sản phẩm sẽ ký hợp đồng với đơn vị tái chế thứ ba bởi nó không phải là rác thải mà là tài nguyên.

Tại hội thảo, Jolywood cũng giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ tấm quang điện loại N, J-TOP hai mặt và hai mặt kính có nhiều tính năng tối ưu phù hợp cho doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo.

Hiện còn nhiều doanh nghiệp ngại đi trên con đường "màu xanh", cần làm gì để thay đổi tư duy và nhận thức? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Văn Nhơn, Tổng giám đốc Intech Energy cho rằng, điều này cần cơ chế ràng buộc rõ ràng, để các doanh nghiệp căn cứ vào đó triển khai các phương hướng kinh doanh của mình. Ngoài ra, cần thúc đẩy truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về vai trò của chuyển đổi xanh - là vấn đề sống còn đối với hành tinh, nhân loại.

Ông Lê Mạnh Linh nhấn mạnh thêm, mỗi doanh nghiệp cần có tham vọng tạo ra giá trị riêng, để vươn ra biển lớn và đem hàng hoá đi xuất khẩu thị trường Âu, Mỹ, thì chiến lược chuyển đổi xanh là điều kiện kiên quyết để doanh nghiệp thoả mãn tham vọng đó.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục