Hết kho chứa trong bối cảnh tổng cầu giảm, sản lượng chưa cắt giảm khiến giá dầu thô Mỹ kỳ hạn giao tháng 5 chốt hợp đồng ngày 20/4 lao dốc gần 150% xuống mức kỷ lục là -37,63 USD/thùng.
Giá dầu thô giảm kỷ lục đã kéo nhóm cổ phiếu năng lượng lao theo, cùng với dự báo mùa báo cáo kết quả kinh doanh ảm đạm do ảnh hưởng của Covid-19 khiến phố Wall quay đầu giảm trở lại trong phiên đầu tuần mới, nhất là Dow Jones mất hơn 2,4%, trong khi Nasdaq nhờ sự hỗ trợ của một vài mã công nghệ nên đà giảm khiêm tốn hơn.
Kết thúc phiên 20/4, chỉ số Dow Jones giảm 592,05 điểm (-2,44%), xuống 23.650,44 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 51,40 điểm (-1,79%), xuống 2.823,16 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 89,41 điểm (-1,03%), xuống 8.560,73 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại được cứu trong ít phút cuối phiên để tiếp tục duy trì đà tăng nhờ nhóm cổ phiếu sức khỏe.
Kết thúc phiên 20/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 25,87 điểm (+0,45%), lên 5.812,83 điểm. Chỉ số DAX tăng 50,12 điểm (+0,47%), lên 10.675,90 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 29,30 điểm (+0,65%), lên 4.528,30 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoài thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục duy trì đà tăng nhẹ sau khi Bắc Kinh có thêm lần giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế, các thị trường còn lại đều quay đầu điều chỉnh sau phiên tăng mạnh trước đó khi nhà đầu tư thận trọng đợi mùa công bố kết quả kinh doanh quý I/2020.
Kết thúc phiên 20/4, Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 228,14 điểm (-1,15%), xuống 19.669,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,06 điểm (+0,50%), lên 2.852,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 49,98 điểm (-0,21%), xuống 24.330,02 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 16,17 điểm (-0,84%), xuống 1.898,36 điểm.
Giá vàng đã hồi phục trở lại sau phiên giảm sâu cuối tuần trước. Giá vàng hồi trở lại khi thị trường chứng khoán giảm, giá dầu thô cũng giảm kỷ lục xuống mức âm. Dầu thô là đại diện cho các loại hàng hóa thô trên thị trường, nên thường giá dầu thô giảm sẽ kéo theo các loại hàng hóa khác giảm, trong đó có kim loại. Tuy nhiên, mức giảm kỷ lục của giá dầu thô lần này lại tạo ra lo sợ, nên khiến vai trò trú ẩn của vàng tăng lên, kéo giá kim loại quý này tăng.
Kết thúc phiên 20/4, giá vàng giao tăng 9,4 USD (+0,56%), lên 1.695,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 12,4 USD (+0,73%), lên 1.711,2 USD/ounce.
Trong khi đó, trên thị trường dầu thô, điều chưa từng có đã xảy ra khi giá dầu thô Mỹ kỳ hạn giao tháng 5 giảm gần 150% xuống mức âm trong phiên chốt kỳ hạn giao tháng 5. Giá dầu thô Brent cũng xuống dưới ngưỡng 26 USD/thùng. Giá dầu thô giảm mạnh do lượng dư thừa quá lớn, trong khi tổng cầu sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến không còn chỗ chứa.
Kết thúc phiên 20/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 55,90 USD (-148,55%), xuống -37,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,51 USD (-9,82%), xuống 25,57 USD/thùng.